4 bước giúp bé học ATGT

Thứ năm, 25/09/2008 00:00 GMT+7
Bằng 4 biện pháp giảng dạy theo chủ điểm học đi đôi với hành, "văn nghệ hoá giờ học" và phong trào "người lớn nêu gương", Trường Mầm non Tp. Hồ Chí Minh đã biến những tiết học khô khan trở nên hấp dẫn.
Bằng 4 biện pháp giảng dạy theo chủ điểm học đi đôi với hành, "văn nghệ hoá giờ học" và phong trào "người lớn nêu gương", Trường Mầm non Tp. Hồ Chí Minh đã biến những tiết học khô khan trở nên hấp dẫn.
 
“Tổ chức thực hành cho trẻ" là hoạt động vui chơi giúp học sinh Trường mầm non Tp. Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận các mô hình ATGT theo các hành động mẫu, thực hiện bài tập, chơi trò chơi đóng vai, để từ đó dần hình thành nhận thức và hành vi khi tham gia giao thông. Để có các mô hình, dụng cụ giảng dạy ATGT, giáo viên vận động phụ huynh đóng góp phế liệu như lon sữa, thùng cát tông, lon nước ngọt... từ đó, học sinh thiết kế thành các biển báo, ngã tư...

Cô Trần Thị Thúy - lớp lá 4 cho biết: "Giáo viên tổ chức cho trẻ tự vẽ, thiết kế biển hướng dẫn giao thông, làm các mô hình giao thông khiến trẻ rất hào hứng, dễ dàng ghi nhớ các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông".

Với diện tích sân vườn 400m2, giáo viên Trường mầm non Tp. Hồ Chí Minh đã vận động phụ huynh hỗ trợ phương tiện mô hình giúp trẻ thực hành trên sân trường. Nhờ đó, nhà trường luôn có 220 phương tiện để trẻ thực hành, với 4 ngã tư đường phố, có trụ đèn giao thông. Nhà trường còn tận dụng các khoảng sân có đu quay ở giữa sân trường để cho trẻ thực hành đi theo "mô hình vòng xoay" và dùng cầu trượt tạo thành các tuyến đường một chiều có cắm biển báo hiệu giao thông, giúp học sinh vui học theo chủ đề.

Cùng đó, để nâng cao nhận thức cho trẻ, nhà trường bố trí bảng rẽ phải, đường một chiều, các mũi tên chỉ hướng đi, bảng rẽ trái trên lối vào sân trường, lớp học giúp trẻ thực hành ngay khi lưu thông từ cổng vào sân trường.

Dựa vào địa thế 3 mặt tiếp xúc với đường phố, nhà trường xây dựng chương trình giảng dạy "Tổ chức quan sát", cho trẻ dạo chơi ngoài khuôn viên quan sát ngã tư đường phố. Vào mỗi năm học, nhà trường tổ chức cho trẻ đi tham quan Thảo cầm viên và Đầm Sen để quan sát các hoạt động diễn ra trên đường phố, gọi tên biển báo hiệu giao thông, nhận biết các loại phương tiện giao thông.

Năm học này, nhà trường phát động giáo viên sáng tác thơ, tiểu phẩm ghép với tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT. Điển hình, câu chuyện "Vì sao chú thỏ bị cụt đuôi", vì cái đuôi của chú thỏ đã bị vướng vào ôtô, khi thỏ lưu thông trên đường không cẩn thận; hay chuyện "Chú ngựa đâu rồi" cho trẻ 3 - 4 tuổi, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu giúp bé tìm ra lý do chú ngựa bị ngã và bị thương (vì chạy nhanh, không quan sát đèn tín hiệu giao thông). Để tăng tính hấp dẫn, giáo viên cho trẻ đóng vai các con vật ngộ nghĩnh và tổ chức đối đáp, giao lưu kiến thức pháp luật ATGT với học sinh.

"Người lớn làm gương cho trẻ" là phong trào nhà trường phát động cán bộ, giáo viên, phụ huynh chấp hành nghiêm Luật GTĐB và qua đó nêu gương sáng để trẻ nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn.

Cô Quách Thị Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng Trường mầm non Tp. Hồ Chí Minh cho biết: "Dịp đầu năm học, nhà trường yêu cầu phụ huynh thực hiện tốt quy định dừng, đậu xe trước cổng trường; không lưu thông phương tiện vào trong khu vực sân trường, đảm bảo trật tự ATGT để làm gương cho trẻ. Đồng thời, dùng bảng tin tuyên truyền thông qua các bài hát, thơ về ATGT để phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên giáo dục trẻ nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông qua các chủ đề: Em đi qua ngã 4 đường phố, Đường em đi, Tìm chỗ bé chơi, Trên đường, Đèn xanh - đèn đỏ...".

Theo Bạn đường
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)