CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TẠI HÀ NỘI VÀ TP. HỒ CHÍ MINH :Chấn chỉnh, mở rộng mạng lưới xe buýt

Thứ ba, 30/09/2008 00:00 GMT+7
Thời gian qua, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Ngành GTVT của 2 thành phố đang khẩn trương khảo sát, sắp xếp lại mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt, thu hút người dân sử dụng để giảm phương tiện cá nhân lưu thông vào nội thành. 
 
Ngày 21/9, Sở GTVT Hà Nội tổ chức khảo sát các tuyến xe buýt dự kiến điều chỉnh, phục vụ người dân trên địa bàn thành phố mở rộng, với mục tiêu đặt ra là hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực nội đô, giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, thành phố tổ chức rà soát lại mạng lưới xe buýt để đánh giá mức độ đồng bộ (đầu tư cơ sở hạ mở rộng tuyến kết hợp với bổ sung phương tiện), tạo sự đổi mới trong quản lý, kinh doanh và phục vụ hiệu quả.
 
Với cách làm này, thành phố vẫn đảm bảo được tính hệ thống trên các lĩnh vực xây dựng mạng lưới giao thông; phát triển hạ tầng cơ sở cho các tuyến buýt và vẫn đảm bảo được cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
 
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng thêm điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng đón khách, nhà chờ, biển báo hiệu giao thông... và tiến tới quy hoạch xây dựng hệ thống đường dành riêng cho xe buýt. Ngành GTVT tổ chức sắp xếp lại cự ly tuyến phù hợp với địa bàn, khu vực; điều chỉnh, sắp xếp luồng tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức điều chỉnh tuyến dựa trên hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp với thực tế địa bàn và có chính sách trợ giá hợp lý.
 
Kỹ sư Trần Hùng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: "Trong 9 tháng đầu năm 2008, hành khách đi xe buýt đạt 288,2 triệu lượt người, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Sau ngày thành phố mở rộng, nhu cầu đi lại của người dân tại các huyện tỉnh Hà Tây (cũ) về Thủ đô làm ăn, công tác ngày càng gia tăng. Dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông giờ cao điểm". 
 
Tp. Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án phát triển xe buýt (giai đoạn 2010 - 2020), với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế chính sách; tiêu chuẩn mạng lưới xe buýt; quỹ đất dành xây dựng hạ tầng tuyến; hiện đại hoá Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị; quy định đơn giá định mức duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng; quy định việc điều chỉnh giá vé, phát hành quản lý và in ấn vé; cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động xe buýt và quy chế đối với hành khách.
 
Theo kế hoạch, từ 16 - 30/10/2008, Sở GTVT xây dựng phương án tổ chức triển khai điều chỉnh các tuyến xe buýt, nâng cao năng lực vận tải và hạn chế tình trạng trùng tuyến.
 
Tại Tp. Hồ Chí Minh, thời gian qua, hoạt động của mạng lưới xe buýt hiệu quả chưa cao, còn bị trùng tuyến và hiệu quả khai thác cao, tăng nguy cơ ùn tắc. Với cấu trúc mạng lưới đường thành phố hiện được phân bổ theo dạng hình rẻ quạt, đa số xe buýt tại Tp. Hồ Chí Minh bị trùng tuyến.
 
Điển hình, tuyến từ Bến xe Chợ Lớn - Củ Chi có 2 tuyến 55 và 18 trùng nhau 100%. Còn theo báo cáo của Trung tâm Quản lý & Điều hành vận tải hành khách công cộng Tp. Hồ Chí Minh, mạng lưới tuyến xe buýt thành phố hiện có 7 đoạn đường, với khoảng 7 - 12 tuyến xe buýt bị trùng tuyến (cự ly từ 200 - 1.300m), tập trung tại các tuyến trục chính, cửa ngõ thành phố...
 
Ông Lê Trung Tính - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Sau khi khảo sát và phân tích, Trung tâm nhận thấy còn 8 tuyến bị trùng từ 30 - 45%, đặc biệt là tuyến 55 trùng với tuyến 18, cần phải nhanh chóng được điều chỉnh để hạn chế ùn tắc và mất trật tự ATGT.
 
Vừa qua, Trung tâm đã áp dụng kết quả nghiên của TDSI South - Bộ GTVT đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận duyệt công bố "24 tuyến hành lang chính trên toàn mạng" để bố trí lại luồng tuyến. Trong tháng 8/2008, đã cắt 2 tuyến bến xe Chợ Lớn - Củ Chi và Chợ Bến Thành - Củ Chi thành 5 tuyến (lấy vành đai 2 làm  chuẩn) để không gây ra tình trạng trùng tuyến và ùn tắc giao thông".
 
                          B. Lê - Q. Tuấn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)