Giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Thứ ba, 15/07/2008 00:00 GMT+7
Những năm qua, hoạt động giao thông thủy phát triển khá nhanh, bình quân hằng năm tăng khoảng 10% số lượng phương tiện thủy. Vận tải thủy nội địa giữ tỷ trọng từ 25 đến 30% tổng sản lượng vận tải. Tuy nhiên, công tác bảo đảm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông  đường thủy đang bộc lộ nhiều khó khăn, cần có biện pháp cấp bách giải quyết kịp thời.
 Những năm qua, hoạt động giao thông thủy phát triển khá nhanh, bình quân hằng năm tăng khoảng 10% số lượng phương tiện thủy. Vận tải thủy nội địa giữ tỷ trọng từ 25 đến 30% tổng sản lượng vận tải. Tuy nhiên, công tác bảo đảm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông  đường thủy đang bộc lộ nhiều khó khăn, cần có biện pháp cấp bách giải quyết kịp thời.
CSGT đường thuỷ Hải Dương kiểm tra tàu vận tải thuỷ trên sông Thái Bình

Có mặt tại tàu tuần tra 01, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTÐT) Hải Dương trên tuyến sông Thái Bình, chúng tôi mới thấy hết được sự vất vả của công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên sông nước. Trụ sở trạm chỉ là chiếc tàu nhỏ, nhưng quản lý cả quãng sông dài hàng trăm km.

Trung tá Nguyễn Phúc Nhiệm, Ðội trưởng cho biết, sở dĩ trạm phải cắm chốt ở xã Việt Hòa cũng chính vì nạn "cát tặc" hoành hành trên tuyến sông này làm sạt lở đê điều, phá hoại hoa màu, gây bức xúc trong nhân dân. Từ khi trạm chốt chặn, xử phạt nghiêm, không ai dám khai thác cát trái phép, ba năm nay không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 300 phương tiện khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, trong khi một số doanh nghiệp có giấy phép khai thác tận thu cát, sỏi lòng sông lại không khai thác mà "bán" cho các doanh nghiệp, cá nhân không phép khai thác triệt để, bừa bãi ở khu vực được cấp phép, nhằm thu lợi bất chính, trực tiếp xâm hại an toàn đê kè, gây xói lở bờ sông, làm thay đổi hoặc cản trở dòng chảy.

Việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác với trữ lượng bao nhiêu, được khai thác ở tuyến sông nào chưa có căn cứ khoa học, đó chính là kẽ hở doanh nghiệp lách luật, trốn thuế. Hầu hết bến bãi khai thác cát, sỏi trên địa bàn đều chưa có hoặc thiếu thủ tục và điều kiện cần thiết để hoạt động nhưng vẫn tồn tại.

Công an tỉnh Hải Dương phối hợp các cơ quan chức năng điều tra cơ bản, xác định chỉ 30% số bến bãi khai thác cát, sỏi đủ điều kiện hoạt động; qua 12 đợt kiểm tra, lập biên bản 163 lượt chủ bến bãi và 233 lượt phương tiện vi phạm.

Việc mở bến đò cũng nhức nhối không kém. Tại nhiều địa phương, phổ biến tình trạng UBND các xã, phường, thị trấn xin phép mở bến, nhưng thực tế khoán trắng cho chủ đò, trong khi chủ đò chỉ quan tâm lợi nhuận, coi nhẹ biện pháp bảo đảm an toàn cho người đi đò.

Nghệ An có 51/74 bến đò chở khách ngang sông chưa có quyết định cấp phép mở bến, 69/160 người điều khiển phương tiện chở khách chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn (CCCM), thậm chí một số người già yếu vẫn được UBND xã ký hợp đồng chuyên chở hành khách. Phương tiện chở khách tại các bến đò chủ yếu là thuyền vỏ gỗ tự đóng theo kinh nghiệm, kiểu "cha truyền, con nối", không đủ điều kiện để kiểm định.

Ngoài ra, tình trạng "năm không" (đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; điều kiện an toàn đối với các phương tiện, bến chở khách ngang sông) vẫn là căn bệnh "muôn thuở" không riêng Hải Dương mà khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Ðến năm 2007, cả nước có 806.775 phương tiện thủy nội địa các loại, với tổng trọng tải 5.801.052 tấn phương tiện, 749.801 ghế hành khách. Ðáng báo động, vẫn còn 88,05% số phương tiện thủy chưa đăng kiểm, 91,32% chưa đăng ký, 80% số thuyền trưởng chưa có bằng, 97%  số thuyền trưởng chưa có CCCM, 97% số người lái phương tiện chưa có chứng chỉ. Do thiếu ý thức hoặc không thể đáp ứng đủ yêu cầu của thủ tục đăng ký nên chủ phương tiện cố tình không đăng ký, đăng kiểm.

Theo Quyết định số 29/2004/QÐ-BGTVT, chủ phương tiện phải có hóa đơn nộp thuế trước bạ, hợp đồng mua phương tiện, giấy chứng nhận, bởi các cơ sở đóng mới không có hợp đồng mua bán, việc mua bán phương tiện tràn lan. Mặt khác, mức thuế phải nộp khi đăng ký cao, trong khi xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện không đăng ký thấp, lại không có biện pháp mạnh tạm giữ phương tiện, vì thế nhiều chủ phương tiện chấp nhận chịu phạt mà không đăng ký, hoặc chỉ đăng kiểm lần đầu mà không đăng kiểm theo định kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Ðăng kiểm Trần Kỳ Hình, cho biết, cả nước hiện nay mới có gần 30 cơ sở đào tạo thuyền viên và người lái phương tiện, không đủ khả năng đáp ứng so với nhu cầu cần đào tạo hiện nay. Ðể giải quyết được cơ bản tình trạng thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, CCCM đến năm 2010, mỗi tỉnh, thành phố phía nam cần có năm cơ sở đào tạo, phía bắc và miền trung cần ít nhất hai đến ba cơ sở đào tạo, quy mô một cơ sở mỗi năm phải đào tạo được 300 thuyền viên và 2.000 người lái phương tiện.

Bổ sung các trường, cơ sở đào tạo, hoàn thiện giáo trình chuẩn chưa đủ, cần phải sửa đổi điều kiện dự học đối với người lái phương tiện (không nhất thiết phải tốt nghiệp tiểu học vì thực tế, người làm nghề trên sông nước không có điều kiện đi học, học vấn thấp) và hàng loạt quy định xa rời thực tiễn như đơn xin dự học phải có xác nhận của chính quyền địa phương (trong khi đặc thù công việc thường xuyên hoạt động trên sông nước, khiến người dân mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc đi lại).

Ðịa điểm học xa, chương trình đào tạo dài, nhiều môn học chưa phù hợp, học phí cao,... từ những bất cập trên mà người dân không theo học hoặc có học nhưng không đầy đủ. Thậm chí nhiều trường hợp người dân có nhu cầu chấp nhận bỏ từ năm đến 16 triệu đồng, tùy theo loại để mua bằng điều khiển phương tiện.

Từ năm 2007, Cục CSGTÐT và công an các tỉnh, thành phố phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng giả ở các tỉnh phía nam và TP Hồ Chí Minh. Người điều khiển phương tiện "mù luật", không nắm vững quy tắc giao thông, tất yếu sẽ gây tai nạn. Mỗi năm trung bình toàn quốc xảy ra khoảng 300 vụ TNGT đường thủy, làm chết hơn 250 người, hơn 100 người bị thương, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện kém, phương tiện chở quá tải, không có các trang, thiết bị cứu hộ...

Phó Chánh thanh tra Cục Ðường sông số 6 Trần Sỹ Dung nhấn mạnh, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra đường sông so với yêu cầu nhiệm vụ chưa cao do lực lượng quá mỏng, mỗi người phải đảm trách gần 100 km đường sông.

Hiện nay, quân số lực lượng CSGTÐT chỉ hơn 1.600 CBCS, được trang bị 65 tàu tuần tra kiểm soát (TTKS), 287 xuồng máy; nhiên liệu được cấp chỉ đáp ứng được khoảng 20% mức tối thiểu, trong khi đảm nhiệm khối lượng công việc lớn trên địa bàn rộng.

Khắc phục khó khăn, với những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà nòng cốt là lực lượng mũi nhọn - CSGTÐT, TTATGT được bảo đảm, TNGT đường thủy được kiềm chế, giảm cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Từ khi Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2005), công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hành vi vi phạm về TTATGT đường thủy được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ năm 2001 đến năm 2006, lực lượng CSGTÐT đã kiểm tra phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT trên đường thủy nội địa là 603.447 trường hợp. Riêng năm 2007, CSGTÐT toàn quốc đã kiểm tra và lập biên bản xử lý 148.230 trường hợp vi phạm (tăng 24,8% số trường hợp vi phạm và tăng 22,2% số tiền phạt so với năm 2006).

Công tác TTKS, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đường thủy đã có tác dụng phòng ngừa, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT đối với người tham gia giao thông. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra giao thông, các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý các yếu tố gây mất an toàn giao thông, khắc phục những vấn đề chưa hợp lý trong tổ chức, điều hành giao thông thủy nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm, quan hệ phối hợp của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT.

Tuy nhiên, kết quả xử lý hạn chế do lực lượng mỏng, nhiều địa bàn còn bỏ trống, chủ yếu CSGTÐT phạt cho tồn tại vì không có âu tàu tạm giữ, khó có thể hạ tải với các tàu, thuyền chở quá tải. Sự vào cuộc của các ngành, lực lượng chức năng trong công tác giữ gìn ANTT và TTATXH trên tuyến đường thủy như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng tham gia giữ gìn, bảo đảm TTATGT, TTXH đã tạo bước chuyển tích cực về nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông trên đường thủy nội địa. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp, buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra phức tạp trên các tuyến ven biển trọng điểm và các tuyến sông giáp biên giới được kiềm chế, sau các đợt ra quân, trấn áp mạnh mẽ của lực lượng CSGTÐT và công an các địa phương.

Ðể khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực đường thủy, nhất là trong thời kỳ hội nhập, Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy và có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên tuyến đường thủy.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục CSGTÐT nhấn mạnh, muốn khắc phục, giải quyết triệt để những hạn chế tồn tại nhiều năm qua, điều cốt lõi là phải xây dựng quy hoạch kết cấu giao thông thủy có tầm nhìn xa, với sự tham gia triển khai phối hợp đồng bộ các biện pháp của các ngành, lực lượng chức năng.

Trước mắt, phải "chữa trị" kịp thời những "căn bệnh" nhức nhối  như rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo cấp bằng, CCCM tạo điều kiện cho người dân theo học thuận tiện, dễ dàng nhất; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung, hình thức, biện pháp thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông đường thủy; các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện; cơ sở đào tạo, sát hạch cấp bằng, CCCM cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiện toàn hệ thống tổ chức và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng tham gia giữ gìn TTATGT đường thủy.

Theo Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)