Tắc đường, kẹt xe đã trở thành “căn bệnh” của những thành phố lớn. Sáng tắc, chiều tắc, đêm cũng vẫn tắc. Đường vành đai ngoại thị tắc, đường nội thị còn trầm trọng hơn. Đến ngay cả những con đường không có lí do gì để tắc thì cũng vẫn tắc. Nhiều người nói đó là “ bi kịch” không thể tránh khỏi của những quốc gia đang trên đà phát triển, khi mà dân số cứ hàng ngày giãn ra còn con đường thì gần như vẫn y nguyên. Điều này đúng, nhưng chưa đủ, tắc đường còn là “sản phẩm” của chính ý thức chúng ta.
Cứ thử một ngày ra đường để biết chúng ta đang tham gia giao thông luộm thuộm như thế nào. Bà bán rau không hiểu luật đã đành. Đến ngay cả ông công chức cổ cồn, giầy da bóng loáng cũng cố tình không hiểu luật thì đúng là không thể hiểu nổi. Một lần, ngay trên đường Kim Mã (Hà Nội), một thanh niên trẻ măng, ăn mặc lịch sự, dáng vẻ công chức lắm, lái chiếc xe hơi tạt vào đường của xe đạp và cứ vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ qua điện thoại. Xe đạp bị lấn đường lại chạy sang làn đường xe máy. Xe máy lại tạt sang đường của ô tô. Đúng vào giờ tan tầm, cứ phương tiện nọ tranh đường của phương tiện kia. Thế là đường tắc.
Hay như một lần, ông công chức nọ lùi xe ra giữa đường Quán Thánh và cứ để đấy. Mấy vị thấy “chướng mắt” ra góp ý thì ông lại trợn trừng mắt lên bảo, đại ý là: Chỗ này có bóng cây. Xe đắt tiền phải để đấy cho mát. Đem ra bãi kia thì có mà hỏng hết. Xe đắt tiền thì rõ rồi nhưng đường này đâu phải chỉ dành riêng cho ông. Mặt đường thì nhỏ, chẳng đến 5m mà xe ông thì đã chiếm quá nửa. Như thế tránh sao khỏi tắc đường?
Cứ phải mất thời gian quan sát cảnh tắc đường chúng ta mới thấy được chúng ta đang tham gia giao thông bằng tâm lí của một kẻ ích kỉ. Đường đã tắc nhưng ai cũng muốn vượt lên. Hình như cứ đi sau thiên hạ, dù chỉ là một bánh xe là tức tối, không chịu được. Bước vào thời kì văn minh nhưng nhiều người vẫn mang ra đường cái tâm lí của một lão bản nông lúc nào cũng lẩm bẩm “không cho nó hơn mình”. Tưởng chỉ có đám thanh niên hư hỏng ra đường mới tranh cướp, phóng xe thục mạng. Nay đến cả những ông tóc hoa râm ra đường cũng tranh nhau với lũ trẻ. Đường đã tắc nhưng ai cũng có lí do để đi nhanh. Mà kể cả khi người ta chẳng có lí do để đi nhanh, để vội thì người ta cũng chẳng chịu để người khác vượt lên mình. Cứ thế người nọ hối thúc người kia. Người sau thúc người đi trước. Người đi trước đẩy người đi trước nữa. Đã kẹt xe mà cứ bóp còi inh ỏi. Rồi chẳng may xe sau “đụng” vào xe trước, xước một tí là quay lại hùng hổ, trợn mắt, chửi bới om sòm. Đám đông lại xúm xuýt. Lại tắc đường hơn nữa.
Có những khi đường rộng thênh thang mà người ta vẫn cứ phải chen nhau để vượt lên, chỉ để đi trước thiên hạ. Xe buýt thì tự cho mình cái “đặc quyền” nghênh ngang, vọt sang đây, tạt sang kia. Xe đạp thì cũng cứ hồn nhiên và vô tư “đường ta ta chẳng thèm đi”. Xe máy lại còn tự do vô lối hết cỡ. Cả một bức tranh giao thông đầy màu xám ấy là hệ quả tất yếu của việc tất cả cứ túa xua đổ ra đường, mạnh ai nấy đi, không nhường nhịn và luật thì vẫn nằm ở một góc nào đó, khuất lắm, xa vời vợi. Chúng ta không hiểu luật hay cố tình không thực hành luật? Câu hỏi ấy xin dành cho mỗi người tự trả lời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc đường, kẹt xe. Tạm thời chúng ta chưa nói tới kết cấu hạ tầng giao thông, tầm nhìn qui hoạch vì đó là chuyện vĩ mô. Nhưng một điều chúng ta có thể làm để cứu những con đường, cũng là cứu chính chúng ta khỏi phải “vã mồ hôi” là thay đổi ý thức. Chỉ tiếc là bài học tham gia giao thông văn minh, nhiều người vẫn chưa học được.
Phương Thắm