Theo Cục Đường bộ VN, có khoảng 95% trường hợp vi phạm hành lang ATGT trong phạm vi từ 5 - 7m trên tuyến QL1A (4 đoạn tuyến thí điểm) đã giải toả thành công. Đó là sự đồng thuận và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.
Điều đáng ghi nhận là trong suốt chiến dịch, hầu như không có các trường hợp bị giải toả có hành vi chống đối, cản trở hoặc khiếu kiện. Điển hình như trên tuyến QL1A, đoạn Vinh - Huế, việc cưỡng chế giải toả đã cơ bản hoàn thành, chỉ có duy nhất một đơn khiếu nại. Tuy nhiên, đây là trường hợp cấp đất trong hành lang nên việc xử lý được bảo lưu đến giai đoạn II của chiến dịch.
Tỷ lệ cao các trường hợp vi phạm chấp hành chủ trương giải toả cho thấy bên cạnh công tác tuyên truyền, có sự đóng góp quan trọng của quá trình thống kê, rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm chính xác và việc thực hiện đúng trình tự pháp lý trong quá trình cưỡng chế giải toả.
Theo ông Ngô Văn Tuân - Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế: "Trong quá trình tiến hành giải toả, tỉnh có 1 trường hợp vi phạm nhưng do sơ xuất nên UBND huyện chưa có quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự, đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đây là việc rất cần rút kinh nghiệm, nhất là khi tiến hành giai đoạn 2 của chiến dịch".
Thực tế cho thấy công tác phối hợp giữa các công ty quản lý đường bộ với chính quyền địa phương để thành lập các tổ công tác liên ngành đóng một vai trò quan trọng, là bước khởi đầu để có thể triển khai các bước tiếp theo.
Trước đây, công tác bảo vệ hành lang ATGT gần như được khoán trắng cho các công ty quản lý đường bộ. Nhưng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP và sau đó là Quyết định 1856/2007/QĐ-CP đã xác định vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ hành lang và giải toả hành lang ATGT, nên việc triển khai có phần thuận lợi. Tuy nhiên, do là lần đầu phối hợp nên có nơi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Lê Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc Khu QLĐB IV: "Thời gian đầu chính quyền địa phương ít quan tâm, nhưng do sự chủ động đề nghị họp bàn, phối hợp triển khai nên cuối cùng hầu hết chính quyền địa phương vào cuộc".
Một vấn đề vướng mắc được phản ánh là việc một số địa phương do lãnh đạo tỉnh không làm tổ trưởng tổ công tác liên ngành, mà giao cho giám đốc Sở GTVT nên hiệu quả chỉ đạo (các cơ quan như Công an, UBND các huyện, thị trấn) không cao, gây khó khăn cho hoạt động... Chính vì thế, công tác phối hợp và chỉ đạo, giải toả diễn ra chật vật, dẫn đến chậm trễ.
Đến thời điểm này, mặc dù hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cưỡng chế giải toả vi phạm trong phạm vi từ 5 - 7m, nhưng cũng có một số địa phương như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà không đảm bảo tiến độ đề ra.
Theo ông Ngô Quang Đảo - Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN: "Kinh nghiệm cho thấy, ngoài sự chủ động của các công ty quản lý đường bộ thì ở đâu chính quyền quan tâm, chỉ đạo thì ở đó làm tốt. Ở một số nơi, lãnh đạo địa phương có tâm lý "ngại va chạm" tới vấn đề giải toả hành lang ATGT nên đã thoái thác trách nhiệm dẫn đến tiến độ thực hiện không đạt".
Tiến Mạnh