PV: Tám tháng qua, dưới ánh sáng của "ngọn đèn pha 32", theo Cục trưởng, điều gì sáng rõ nhất?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Tám tháng, chúng ta đã đi qua hai phần ba chặng đường. Rồi đây sau một năm, sẽ nhìn lại tổng thể, đánh giá đầy đủ hơn. Còn bây giờ, chỉ xin nói vắn tắt thế này: Nghị quyết 32 đã đề cập toàn diện, quy định những điều cụ thể, có khả năng thực thi, tạo bước đột phá mới, cải thiện tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Thực hiện đúng Nghị quyết, có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, thì tình hình sẽ chuyển biến.
PV: Nhưng dịp Tết và sau Tết Mậu Tý, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao và nhiều vụ nghiêm trọng?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Ðúng là trong dịp Tết và sau Tết - mùa lễ hội - có một số vụ rất nghiêm trọng, cho nên người dân cảm thấy TNGT vẫn tăng. Cụ thể là, đã xảy ra 28 vụ rất nghiêm trọng, làm 44 người chết, 142 người bị thương, so với 45 ngày trước khi thực hiện đợt cao điểm, tăng tám vụ, tăng 103 người bị thương, nhưng số người chết giảm 11 người.
Tuy nhiên, trong dịp Tết và tính chung cả tám tháng, tình hình trật tự, ATGT đã chuyển biến rõ rệt so với trước, giảm cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương), đặc biệt, so với các tháng liền kề và các tháng cùng kỳ năm trước, số người bị thương giảm mạnh, từ 15 đến 25%.
PV: Và việc tất cả mọi người khi đi xe mô-tô đội mũ bảo hiểm đã có tác động rất tích cực?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Ðúng thế. Ngày 15-12-2007 đánh dấu một sự kiện quan trọng, từ bắt buộc đến tự giác, "đã lên xe là cùng đội mũ". Theo thống kê của các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh số vụ chấn thương sọ não giảm đáng kể. Vậy mà trong 45 ngày, từ 1-1 đến 15-2-2008, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn quốc vẫn phải xử lý tới 82.543 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy. Vẫn còn những người không chú ý "giữ cái đầu" khi đi đường như thế đấy!
PV: Chúng ta đã nói nhiều về nguyên nhân nhưng theo Cục trưởng, trong tình hình hiện nay phải tiếp tục nhấn mạnh điều gì?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Ðiều sống còn là ý thức chấp hành Luật Giao thông. Do người điều khiển phương tiện không chấp hành nghiêm luật pháp khi tham gia giao thông, như chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt ẩu, uống rượu, bia say, chở quá tải... đã gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chạy quá tốc độ là nguyên nhân gây ra ít nhất 30% số vụ TNGT gây tử vong, hay thương tích.
Ðến nay tình hình thanh niên, thiếu niên, trong đó có nhiều "thiếu gia" con nhà giàu tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong tám tháng qua, Công an các địa phương đều bố trí lực lượng thường trực phòng, chống "những người bay không có chân trời". Ðã tạm giữ, xử lý hành chính 85 đối tượng, tạm giữ 3.244 phương tiện. Riêng Công an Hà Nội bắt giữ, khởi tố và đưa ra xét xử bốn vụ, với 36 đối tượng đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
PV: Ðó là tình hình tai nạn. Còn vấn đề ùn tắc giao thông? Có người bảo khó lắm, càng chống thì đường phố ở các đô thị lớn càng "ùn"?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Không phải. Không chống, không có biện pháp quyết liệt thì còn ùn tắc nhiều hơn. Chúng tôi có thống kê cụ thể. Năm 2007 và hai tháng đầu năm nay có 59 vụ ùn tắc nghiêm trọng kéo dài (trong đó Hà Nội 11 vụ, TP Hồ Chí Minh 11 vụ...). Ðương nhiên, ùn tắc thông thường thì... liên tục và rất phức tạp. Nguyên nhân chính là do phương tiện giao thông tăng nhanh (trung bình mỗi năm ô-tô tăng 11%, mô-tô tăng 16%). Hiện nay, trên toàn quốc có gần 1,2 triệu ô-tô, gần 22 triệu mô-tô lưu hành. Xe "đẻ" mà đường nhựa không "đẻ". Quỹ đất ở đô thị dành cho hạ tầng giao thông quá ít, khoảng 5-7%, trong khi đó ở các nước là 25%. Bài toán này còn cần phải tập trung tính toán thật khoa học, đồng bộ. Cần những giải pháp ở tầm vĩ mô. Cảnh sát giao thông mới chỉ lo được phần "ngọn". Phần "gốc" thì phải giải quyết từ việc xây dựng đô thị, đường sá.
PV: Nhân nói về lực lượng CSGT, Cục trưởng có thể đánh giá khái quát, ưu và khuyết điểm của anh em?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Chúng tôi đang đẩy mạnh việc thực hiện giai đoạn hai Ðề án 1323/BCA về phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT. Lãnh đạo Cục vẫn thường xuyên nhận được thư từ, điện thoại gọi tới. Có khen, có chê. Nhưng khi phê bình thường nêu chung chung, không rõ địa chỉ. Nếu rõ, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm. Tôi có con số báo cáo đây. Hơn hai năm qua, đã có sáu đồng chí hy sinh, 70 đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ. Ðợt cao điểm Tết Mậu Tý, toàn quốc có 2.258 lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận tiền của lái xe, chủ hàng, với số tiền 76,1 triệu đồng (Nghệ An: 1.709 lượt; Thanh Hóa 133 lượt; Ðồng Nai 87 lượt; Ðác Nông 42 lượt, v.v..). Trong đợt cao điểm này, thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã bắt 168 tên tội phạm, thu 780 kg pháo nổ, 161 kg thuốc nổ, 150 gam hê-rô-in, 1,3 kg thuốc phiện...
Ðương nhiên, Cục và các đơn vị đã xử lý, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc hàng trăm trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT vi phạm quy trình công tác, gây phiền hà, vòi vĩnh, nhận hối lộ của lái xe và chủ xe.
PV: Công việc gì là nóng bỏng nhất đối với lực lượng CSGT trong thời gian tới?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nhằm kiềm chế và giảm TNGT. Phải tăng cường các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT. Tổ chức các đợt cao điểm vì mục đích an toàn và giữ gìn nền nếp. Vẫn theo cách thực hiện đội mũ bảo hiểm - từ tự giác đến bắt buộc.
Qua tuần tra, kiểm soát, điều tra giải quyết ATGT, phát hiện và kiến nghị ngành giao thông khắc phục các điểm bất hợp lý, các "điểm đen" về TNGT. Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm công trình giao thông, cản trở giao thông, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục các "điểm đen". Tóm lại, phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
PV: Thưa ông, còn một điều nữa?
Cục trưởng Ðỗ Ðình Nghị: Vâng, cũng rất "nóng". Ðó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT. Thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tuyên truyền chưa sâu, chưa thật sự tác động đến mọi tầng lớp nhân dân. Ðiều này, báo chí là lực lượng chủ công. Ðúng như Nghị quyết 32 đã nhấn mạnh: "Mỗi tờ báo phải có chuyên đề tuyên truyền về ATGT".
PV: Xin cảm ơn Cục trưởng.