TNGT hiện nay là vấn đề nhức nhối của xã hội. Mọi người thường nói nhiều đến việc thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông và đòi hỏi phải giáo dục ý thức giao thông như một điều kiện tất yếu để kéo giảm TNGT.
Tuy vậy, bản thân mỗi người còn cần nhiều loại ý thức khác nữa như: ý thức trong bảo vệ môi trường, trong vệ sinh thực phẩm, trong phòng chống dịch gia cầm, trong nghĩa vụ thuế, trong thực hành tiết kiệm, trong thi cử, trong công việc, trong giao tiếp, trong cư xử,... Nói tóm lại là có quá nhiều các loại ý thức cần có. Và tất cả những ý thức này đều gom vào một loại ý thức duy nhất, đó là ý thức công dân.
Trên thực tế, không thể có một công dân thiếu ý thức về lĩnh vực này mà lại có ý thức về lĩnh vực khác. Do đó sẽ không thể đạt hiệu quả tốt khi tách riêng ý thức giao thông ra để giáo dục, mà phải là giáo dục toàn diện về ý thức công dân và phải được thực hiện từ những năm đầu đời của một công dân. Đây phải là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Giáo dục.
Một thời gian dài ngành Giáo dục đã xem nhẹ môn học Giáo dục công dân. Hậu quả là một thế hệ công dân kém ý thức đã tồn tại, làm xấu cho các thế hệ đi sau. Đó là một sự thật cần được nhìn nhận đúng đắn để khắc phục. Đã đến lúc ngành Giáo dục cần đặt môn học này lên hàng đầu, trên các môn học khác, xuyên suốt các cấp học phổ thông.
Vì rằng, đào tạo ra một công dân giỏi giang mà thiếu ý thức thì có phải là sản phẩm tốt của ngành Giáo dục cung cấp cho xã hội? Chắc chắn là không rồi. Quay lại vấn đề ATGT, vì ý thức kém nên người dân tham gia giao thông thường tìm cách đối phó hơn là tự giác chấp hành Luật Giao thông. Chúng ta dễ nhận thấy nơi nào có mặt CSGT thì nơi đó Luật Giao thông được tôn trọng.
Nhưng lực lượng CSGT lại quá mỏng, nên không đủ để ngăn chặn vi phạm. Vậy giải pháp đặt ra là nên dành một khoản lớn ngân sách để ngành Công an tuyển dụng thêm CSGT và phương tiện làm việc đủ để phủ kín các điểm đen ATGT trên toàn quốc, thành thị cũng như nông thôn, nơi đông dân cư cũng như các cung đường đèo hẻo lánh, ngày cũng như đêm. Có như vậy mới hạn chế tối đa TNGT.
Dĩ nhiên đã tuyển dụng thì phải quan tâm đến chất lượng và phương án kiểm tra, giám sát. Không nên ngần ngại về sự tốn kém vì kinh phí bỏ ra dù lớn đến đâu cũng không thể sánh bằng những thiệt hại mà TNGT gây ra. Thống kê cho thấy những thiệt hại về người và của do TNGT trong những năm qua không hề thua kém cuộc chiến giành độc lập. Như vậy TNGT phải được coi là “địch”. Tuyên chiến với “kẻ địch” TNGT phải quyết liệt, bền bỉ. Chúng ta không thể chấp nhận một đất nước đang trên đà phát triển kinh tế lại có vài chục người chết hằng ngày vì TNGT.
Khi ý thức công dân đã có chuyển biến tốt trên toàn xã hội, khi ấy CSGT sẽ được giảm dần. Rồi sẽ đến lúc lực lượng CSGT ít hơn hiện nay rất nhiều mà TNGT có thể ở mức thấp nhất, không còn là nỗi nhức nhối của xã hội. Khi đó, không chỉ ý thức giao thông mà mọi ý thức cần có khác cũng sẽ được thể hiện ở mọi công dân. Đó là trái ngọt mà ngành Giáo dục đã vun trồng cho xã hội.
Đình Ánh