Sau gần 1 tháng triển khai quy định bắt buộc người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH trên tất cả các tuyến đường, mặc dù số lượng người bị thương do TNGT chưa giảm nhiều nhưng tỷ lệ chấn thương sọ não, đặc biệt là chấn thương sọ não nặng đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thời gian gần đây, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn cả nước số người không đội MBH lại có chiều hướng gia tăng.
Cho tới thời điểm hiện nay, quy định bắt buộc người đi mô tô, xe gắn máy độ MBH đã được gần một tháng. Trong những ngày đầu, tỷ lệ người đội MBH ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn cả nước thường xuyên đạt gần như 100%.
Và điều hết sức đáng mừng là theo số liệu thống kê sơ bộ của hai bệnh viện lớn Việt Đức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), mặc dù số lượng người bị thương do TNGT chưa giảm nhiều nhưng các trường hợp chấn thương sọ não nặng đã giảm từ khoảng 25% xuống còn 15%. Những ngày trước khi triển khai đội MBH, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 50- 70 trường hợp cấp cứu do TNGT, những ngày cuối tuần và ngày lễ, tết có thể tăng lên từ 120- 150 ca.
Nhưng những ngày vừa qua, số ca nhập viện thường chỉ ở mức dưới 50. Chẳng hạn như trong ngày 3/1/2008 số ca cấp cứu phải nhập viện chỉ là 45, ngày 4/1 giảm xuống 41 ca. Trong hai ngày cuối tuần thứ bảy 5/1 cũng chỉ lên tới 53 ca và chủ nhật 6/1 là 46 ca.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan bước đầu như vậy, nhưng những ngày gần đây, tình trạng một số người đi mô tô, xe gắn máy cố tình không đội MBH đã bắt đầu xuất hiện phổ biến trên các tuyến đường trên địa bàn cả nước. Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý TNGT Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt, tình trạng trên diễn ra đặc biệt phổ biến tại các tuyến đường vùng nông thôn.
Nguyên nhân là do tại các khu vực này lực lượng CSGT còn khá mỏng, công tác xử lý người không đội MBH chủ yếu do lực lượng công an xã đảm nhận. Tuy nhiên, nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát của lực lượng này chưa chuyên nghiệp nên thời gian vừa qua còn bộc lộ một số bất cập. Hơn thế nữa, những ngày gần đây, việc tuần tra, xử lý của công an xã tại một số địa phương chùng xuống nên số người vi phạm không đội MBH bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Tại một số tuyến đường nội thành Hà Nội, đặc biệt ở các khu phố cổ, phố cũ cũng xảy ra tình trạng tương tự, rất nhiều người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội MBH, hoặc có mang MBH nhưng treo trên xe. Đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh niên dưới 30 tuổi.
Ngoài ý thức kém của một bộ phận người điều khiển phương tiện, thì một nguyên nhân khác là gần đây các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra GTCC, CSTT, công an các quận, phường, lực lượng tự quản không duy trì thường xuyên công tác tuần tra kiểm soát. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Hà Nội xử lý khoảng hơn 200 trường hợp không đội MBH.
Còn theo thống kê của Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt, trong những ngày gần đây, trung bình một tuần, lực lượng CSGT cả nước xử phạt khoảng hơn 11.000 trường hợp vi phạm không đội MBH. Con số này cho thấy, hiện nay vẫn còn một bộ phận khá lớn người tham gia giao thông có ý thức rất kém và không thực hiện nghiêm quy định bắt buộc đội MBH của Chính phủ.
Cũng theo Thượng tá Trần Sơn, thời gian tới là những ngày chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Mậu Tý nên mật độ giao thông trên đường gia tăng rất cao, việc một bộ phận người dân không thực hiện nghiêm quy định bắt buộc đội MBH sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát, thời gian tới Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt sẽ tăng cường khoảng 200 CSGT cho các Đội CSGT và một số tuyến đường trọng điểm như QL 1A, 5,… để thắt chặt và xử lý nghiêm các trường hợp không đội MBH.
Ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp không đội MBH, để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT cả nước cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các lỗi khác như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, xe tải chở quá tải, xe khách chở quá số người quy định, chạy lạng lách trên đường, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định,…
Hà Thanh Oai