Văn hóa giao thông: Cần thay đổi thói quen, tập quán không phù hợp

Thứ ba, 04/03/2008 00:00 GMT+7
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, văn hoá nói chung và văn hoá giao thông nói riêng đang đứng trước dòng thác lớn. Mỗi người, dù muốn hay không cũng như một giọt nước bị dòng thác xô đẩy, cuốn trôi...
    Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, văn hoá nói chung và văn hoá giao thông nói riêng đang đứng trước dòng thác lớn. Mỗi người, dù muốn hay không cũng như một giọt nước bị dòng thác xô đẩy, cuốn trôi... Cho nên, đã đến lúc chúng ta cần suy ngẫm về sự tồn tại của bản thân, góp phần đưa dòng chảy ấy vào một trật tự mới, theo một quy chuẩn nhất định, đó là Luật Giao thông.

    Tình hình TNGT ở nước ta hiện nay là một thảm hoạ hết sức nghiêm trọng. Trung bình mỗi tháng có hàng ngàn người chết. Mức độ thiệt hại này như một cuộc chiến tranh là không thể chấp nhận được! Nhà nước ta đã ban hành đầy đủ Luật Giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không; các luật ấy đã và đang đi vào cuộc sống. Song, ban hành luật mới là bước đầu tiên, vấn đề cốt lõi là thực thi luật của bộ máy Nhà nước và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Thảm họa TNGT nước ta đang phải đối mặt với thực trạng trình độ văn hoá giao thông của người dân còn yếu kém, mà trước hết là năng lực quản lý Nhà nước về giao thông còn quá nhiều bất cập. Thứ đến, con số hơn 80% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông phản ánh trình độ, nhân cách của người tham gia giao thông còn thấp, chưa theo kịp với sự phát triển tất yếu của xã hội. Đây rõ ràng là sự “lệch pha” cần được toàn xã hội quan tâm uốn nắn, chỉnh sửa bằng nhiều giải pháp: giáo dục, cưỡng chế.

    Không ai không bực mình về hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, bất kể biển báo đèn đỏ, đèn vàng và hết sức nguy hiểm là các cuộc đua xe giống như một thứ bệnh nan y mà thầy thuốc chào thua. Phải chăng lối sống “vị kỷ” đã bám rễ vào mỗi người, nên khi ra đường không ai chịu nhường đường, luôn cố thể hiện “ta nhanh hơn”? Hay thói quen giăng hàng ba, hàng bốn trên đường; đi trên vỉa hè, vượt bên phải tùy thích… là những nguyên nhân gây nên TNGT đường bộ nghiêm trọng. Đó là chưa kể thói quen họp chợ, lấn chiếm lòng lề đường quốc lộ để kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng hết sức tùy tiện, mang tính phổ biến trên toàn quốc, khiến thảm hoạ TNGT diễn ra hàng giờ, hàng ngày, gây bao tang tóc đau thương cho mỗi gia đình Việt Nam.

    Thói quen, tập quán của một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, của lối sống sản xuất nhỏ đang không phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội hiện đại: công nghiệp hoá, đô thị hoá. Vì thế, mỗi người dân, kể cả những người có trình độ đại học, cũng không thể một lúc từ bỏ được những thói quen cố hữu, nếu không chịu học hỏi Luật Giao thông, tự giáo dục bản thân và gia đình, rèn luyện thành nếp sống hàng ngày. Xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng là một quá trình giáo dục, rèn luyện của mỗi người dân, là cuộc đấu tranh quyết liệt của toàn xã hội.

Quế Lâm (Quảng Nam)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)