Cần lắm văn hóa giao thông

Thứ ba, 04/03/2008 00:00 GMT+7
Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh thì trong 10 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 196 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) (xin không bàn đến số vụ tai nạn, số tài sản bị thiệt hại, số lần công an lập biên bản…). ...
    Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh thì trong 10 tháng qua, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 196 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) (xin không bàn đến số vụ tai nạn, số tài sản bị thiệt hại, số lần công an lập biên bản…). Con số này so với chỉ tiêu (giảm số người chết vì tai nạn giao thông năm 2007 theo quyết định 721/UBND của UBND tỉnh) thì số người chết đã vượt mức cả năm tới  36 người. Điều đáng nói dù còn gần 2 tháng nữa mới hết năm nhưng có đến 9/12 địa bàn có số người chết (vì TNGT) đều vượt mức cả năm, 2 địa phương coi như “đủ chỉ tiêu” là Đà Lạt và Lâm Hà, còn lại Đức Trọng đã có 25 người nên “chỉ được phép” thêm 6 người là không vượt chỉ tiêu.  Di Linh là huyện dẫn đầu với 30 người bị thiệt mạng (vượt mức cả năm 9 người), tiếp theo là Bảo Lộc với 27 người (vượt mức cả năm 8 người), Đạ Huoai với 23 người và Bảo Lâm 14 người thiệt mạng đều vượt mức cả năm bằng nhau là 7 người…. Theo quyết định 128/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu giảm số người chết do TNGT năm 2007 giao cho tỉnh Lâm Đồng phải giảm 28 người, ứng với tỷ lệ 12,9% so với năm 2006 (216 người chết) thì số người “được phép chết” do TNGT trong cả năm là 188. Như vậy so với chỉ tiêu theo quyết định này thì Lâm Đồng đã vượt 8 người - một con số đáng báo động.

    Ngoài nguyên nhân khách quan do nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến người tham gia giao thông, còn lại đa phần đều do ý thức của người tham gia giao thông quá kém là nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết thương tâm này. Từ nông thôn cho đến thành thị, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp trên mọi nẻo đường nhiều hình ảnh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Với một số người, từ nông dân, học sinh, sinh viên cho đến… nhiều thành phần khác, cụm từ “văn hóa giao thông” hầu như không tồn tại. Đi bộ thì không đi trên lề đường mà cứ ung dung xuống lòng đường mà đi; xe đạp thì dàn hàng đôi hàng ba, rồi chở người trên tay lái. Không chịu thua, xe công nông thì sau khi chất đầy hàng hóa còn tranh thủ “giúp đỡ” chất thêm nhiều người vẫn nghiễm nhiên ành ạch trên đường lộ. Xe gắn máy là thứ gây nên nhiều cái chết nhất, bởi người điều khiển nó cứ vô tư chạy bạt mạng, rồi lạng lách, đánh võng, lấn đường, chở 3, đèo 4… nhất là trong những lúc người điều khiển có hơi men. Xe ô tô khách, xe tải thì phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, chở quá số người quy định, chở quá tải…. Đó là chưa kể những hành vi “cúp” ngang đầu xe khác đang lưu thông, đậu đỗ không đúng nơi quy định; rồi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội cho có để đối phó công an…. Thôi thì muôn hình vạn trạng những loại xe, những kiểu hành vi vi phạm an toàn giao thông. Với ý thức của những người tham gia giao thông như thế này thì nguy cơ tai nạn đối với họ không có gì là lạ, chỉ tiếc là họ dễ gây tai nạn cho những người vô tội khác và thực tế có nhiều cái chết hết sức thương tâm đã xảy ra.

    Để hạn chế đến mức tối đa những cái chết thương tâm do TNGT, bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt của cảnh sát giao thông thì rất cần đến ý thức của người tham gia giao thông. Chợt nhớ, trong một lần đi taxi tại Đà Lạt, xe đang ngon trớn đổ dốc trên đường 3/2, bác tài đột ngột đạp thắng xe cháy bố khét lẹt bởi một cặp “choai choai” chạy xe máy cúp ngay đầu xe để cua phải trái phép (vì có biển cấm) xuống đường Phan Đình Phùng. Rất may còn kịp, 2 người kia bình an vô sự, bác tài thở dài: “Ý thức kém quá, thời buổi giờ rất cần văn hóa giao thông anh ạ, nếu không thì chết ngay!”

HỒ BÌNH

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)