Quy định mới về tốc độ xe cơ giới: MỘT BƯỚC LÙI!

Thứ hai, 26/03/2007 00:00 GMT+7
 
Người gửi: Lethanhhung
E-mail: lethanhhung58@yahoo.com.vn
Ngày: Chủ nhật, 25/03/2007

                                                                                         
        Sau quá nhiều kiến nghị của các DN vận tải, cũng như đông đảo những người tham gia giao thông trên cả nước và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ giao bộ Giao thông vận tải(GTVT) nghiên cứu, đề xuất quy định mới về tốc độ xe cơ giới đường bộ theo hướng: tăng thêm tốc độ cho các loại xe lưu hành trên quốc lộ, thay thế cho những quy định cũ đã lạc hậu. Bộ GTVT sau một thời gian xem xét, đã ban hành quy định mới về tốc độ xe cơ giới đuờng bộ, có hiệu lực thi hành từ 15/3/2007. Thế nhưng, khi quy định mới được ban hành, đã không nhận được sự đồng thuận của dư luận và đông đảo người tham gia giao thông.

        Thất vọng của người tham gia giao thông khi tốc độ tối đa không hề được điều chỉnh theo hướng tăng tốc độ cho các phương tiện, mà kèm theo nó là hàng loạt những chế tài, quy định gây thêm khó khăn cho người tham gia giao thông và tạo thêm quyền cho các cơ quan Cảnh sát giao thông(CSGT), Thanh tra giao thông(TTGT).Trước đây, quy định cho xe ôtô con được chạy với tốc độ tối đa ở đường có 4 làn xe tại các khu dân cư là 60km/h, nhưng nay hạ xuống còn 50/km/h. Đây là quy định thiếu thực tế, vì các khu dân cư nằm trên đường quốc lộ, phần lớn đã được đầu tư nâng cấp lên đường 4 làn xe với hệ thống biển hiệu an toàn tốt. ở nhiều tỉnh miền núi đèo dốc quanh co hiểm trở, thì thật là vô lý khi xe chạy ở đường 4 làn xe thì chỉ được phép chạy 50/km/h còn khi ra khỏi thị xã, thị trấn thì được phép chạy ở đường đèo dốc với tốc độ 70km/h, với những quy định phi thực tế như trên, thì việc thường xuyên có xe rơi xuống vực là điều dễ hiểu.

        Vô lý hơn nữa, tại những con đường có 4 làn xe được xây dựng tốn kém tới hàng trăm triệu USD như quốc lộ 5; quốc lộ 51... với các hành lang an toàn và hệ thống cầu vượt cho người đi bộ được đầu tư tới hàng trăm tỉ đồng, thì theo quy định mới, tốc độ không tăng lên mà còn giữ nguyên 80km/h, cộng thêm hàng loạt biển báo khu dân cư phải chạy với tốc độ 50km/h. Với quy định mới này tốc độ các xe không thể tăng lên, mà bị giảm đi, thời gian xe lưu thông trên đường dài ra gây lãng phí lớn. Quy định mới này chỉ tạo thêm đất tốt cho tiêu cực phát triển.

         Sau ngày 15/3, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp đi trên quốc lộ 5 từ Hà Nội đến Hải Phòng. Đường 5 là một trong những con đường được đầu tư tốn kém nhất Việt Nam, tại hầu hết các điểm dân cư trên quốc lộ đều có hệ thống cầu vượt sang đuờng cho xe cơ giới và người đi bộ được đầu tư rất đồng bộ, hai bên đường ngăn cách các làn xe cơ giới và thô sơ là hệ thống giải phân cách cứng, chính giữa đường là hàng rào sắt ngăn cách không cho người đi bộ tự ý sang đường, kéo dài từ Hà Nội tới Hải Phòng. Tất cả để phục vụ cho việc năng cao tốc độ xe cơ giới để xứng đáng là con đường đắt nhất Việt Nam. Vậy mà xe của chúng tôi cứ chạy được vài cây số thì tài xế lại phải phanh gấp khi gặp biển báo khu dân cư nhưng khi kim đồng hồ chưa kịp chỉ về số 50km/h thì đã hết khu dân cư.

        Chỉ thương cho anh lái xe căng thẳng suốt hành trình, chỉ biết than: "Thế này thì làm sao gọi là cải tiến? Cải lùi thì có!" Theo anh lái xe, với quy định hạn chế tốc độ qua khu dân cư trên đường 5 như hiện nay, nếu CSGT bắn tốc độ thì không có lái xe nào thoát được. Vì xe đang chạy với tốc độ 80km/h mà các điểm dân cư lại dày đặc bên đường (đều đã có cầu vượt) mỗi điểm dài trên dưới 100m thì khi giảm được tốc độ về đúng quy định thì đã qua khu dân cư rồi và tất nhiên là dính đạn nếu CSGT bắn tốc độ(CSGT chỉ rình bắn tốc độ tại những điểm hạn chế tốc độ là chính). Hành trình từ Hà Nội đi Hải Phòng của chúng tôi trước kia là 1tiếng rưỡi, nhưng nay đã vượt quá 2 tiếng mới tới nơi, cả khách và tài xế đều căng thẳng, mệt mỏi.  

       Chúng ta thông cảm với nỗi lo của ngành GTVT về tai nạn gia tăng trên đường bộ. Nhưng không thể dùng những biện pháp không hợp lý, thiếu thuyết phục để mong kiềm chế tai nạn giao thông. Vì ngoài nguyên nhân chạy quá tốc độ, còn có quá nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu không điều chỉnh nâng tốc độ mà chỉ quan tâm đến các biện pháp chế tài, chỉ làm cho những người tham gia giao thông lo đối phó với CSGT, rồi sau đó lại chạy quá tốc độ để bù vào thời gian chạy chậm, càng làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra là do lái xe đã cố chạy nhanh sau khi qua chốt của CSGT.

        Có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông như: giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông cho mọi người, đưa Luật giao thông vào trong nhà trường nằm trong môn giáo dục công dân có thi và chấm điểm như các môn học khác; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống cảnh báo, bảo đảm an toàn trên đường quốc lộ. Phải thay đổi quan điểm xử lý tai nạn giao thông đã lỗi thời xưa nay là: khi tai nạn xảy ra thì ôtô phải bồi thường cho xe máy, xe máy phải bồi thường cho người đi xe đạp, đi bộ. Mà phải kiên quyết xử theo Luật, lỗi thuộc về ai người đó phải chịu trách nhiệm,thậm chí người bị tai nạn còn phải bồi thường cho người gây tai nạn nếu lỗi thuộc về người đó. Nếu làm được điều này, sẽ có tác dụng răn đe những người lâu nay cứ cố tình vi phạm Luật, rồi khi tai nạn xảy ra lại ăn vạ đòi bồi thường.

        Cần phải mạnh dạn nâng tốc độ tối đa cho phép xe chạy trên đường bộ vì điều kiện cầu, đường và phương tiện hiện nay đã tốt hơn cách đây 20 năm rất nhiều, không thể cứ duy trì tư duy cũ gây thiệt hại cho xã hội. Cần dỡ ngay các biển hạn chế tốc độ trên những con đường có 4 làn xe, đã có cầu vượt và hệ thống dải phân cách đồng bộ như quốc lộ 5, chúng ta không thể chấp nhận được khi một con đường cao tốc được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, khi đưa vào khai thác thì các phương tiện lại bị hạn chế tốc độ như các con đường 2 làn xe. Không lẽ Nhà nước đổ tiền ra làm đường cao tốc chỉ để thu phí thôi sao?     

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)