Nói đến diễn đàn hiến kế, Tôi nghĩ đến cuốn sách"Tôn Tử binh pháp" với "36 kế sách" được ứng dụng không chỉ trong việc binh, trong chiến trường, mà đã được ứng dụng thành công trong kinh doanh, đầu tư. kể cả trong tình trường. Vậy nên chăng, ta nghiên cứu kỹ về nhà binh pháp nổi tiếng Tôn Tử và học tập, nghiên cứu từ kế sách của Ông để đưa ra một số chính sách nâng cao công tác an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Với khả năng và nhận thức còn hạn chế của mình, Tôi xin mạn phép "luận" một số kế từ 36 kế của Tôn Tử để phần nào ứng dụng vào một số chính sách an toàn giao thông; có điều nào còn khiên cưỡng, suy diễn, rất mong nhận được sự đóng góp, bàn thảo của mọi người. Trong bài viết này, Tôi xin nói về một số chính sách để các đồng chí cảnh sát giao thông thực hiện, vì họ là một bộ phận quan trọng, một thành tố không thể thiếu trong việc thiết lập lại kỷ cương về an toàn giao thông.
1. Yêu cầu người mua xe cần phải có giấy phép lái xe.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2005, định nghĩa: "Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải.", do đó chúng ta phải nhìn nhận chiếc xe gắn máy là "nguồn nguy hiểm cao độ", nên người điều khiển phương tiện nhất buộc phải có giấy phép lái xe (phải học luật giao thông, phải đi thi sát hạch để lấy bằng lái xe đầy đủ, đúng quy định). Khi người dân có nhu cầu mua xe gắn máy, thì các cửa hàng bán xe cần yêu cầu người mua xe phải xuất trình giấy phép lái xe (bản chính) và giữ bản phô tô, nếu người mua chưa có giấy phép lái xe thì người bán nhất quyết chưa bán xe. Cơ quan cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra đột xuất các cửa hàng bán xe để kiểm tra việc thực hiện chủ trương trên. Điều này gần giống với kế thứ 24 của binh pháp Tôn Tử "Chỉ tang mạ hoè" nghĩa đen là: Chỉ cây dâu mắng cây hoè. Thông qua việc kiểm tra người bán xe, chúng ta có thể hiểu được tỉ lệ % chấp hành pháp luật của người bán xe và người mua xe.
2. Tăng nặng việc xử phạt hành chính
Kế sách thứ 28 của binh pháp Tôn Tử là: "sát kê hách hầu", nghĩa đen là theo cách làm dân gian từ xa xưa, con khỉ rất sợ trông thấy máu, cho nên khi muốn dạy khỉ, cần giết một con gà, để con khỉ nhìn thấy máu, sợ sệt rồi mới bắt đầu giáo hoá, huấn luyện nó. Từ kế sách này, Tôi luận ra rằng: Cần tạo hành lang pháp lý cho cảnh sát giao thông trong việc quy định nâng cao các chế tài xử phạt hành chính (phạt tiền) so với thông thường hiện nay lên gấp 2 lần. Khi người vi phạm bị "đánh vào kinh tế" thì mới "nhớ" và sẽ không dám tái phạm.
3. Cần linh hoạt trong việc phân tích lỗi vi phạm, áp dụng biện pháp xử phạt.
Kế sách thứ 32 của Binh pháp Tôn Tử là "Dục cầm cố tung" , nghĩa đen là muốn bắt nhưng lại thả ra. Muốn thực hành kế này, yêu cầu đặt ra đối với các cảnh sát giao thông là cần phải có nhãn quan sâu rộng, để thu phục lòng người, cứng rắn trong nguyên tắc nhưng mềm dẻo trong hành động. Cùng một hành vi vi phạm an toàn giao thông nhưng mỗi người vi phạm lại có một hoàn cảnh, một lý do khác nhau.
Có người vi phạm trong tình huống "bất khả kháng" như: phải vượt đèn đỏ vì gia đình có việc rất gấp, cơ quan có việc rất cần.Do vậy, cảnh sát cần xem xét, nên phạt nặng, phạt theo mức bình thường hay không phạt theo mỗi trường hợp cụ thể. Việc này không đi ngược lại với nội dung điểm 2 trên đây, mà là sự bổ sung cho điểm 2 để hoàn thiện hơn. Bất kỳ việc gì "quá tả, quá hữu" đều không tốt.
Ngoài ra, cảnh sát giao thông cần thực hiện thêm kế sách thứ 27 của Tôn Tử, kế "Phủ để trừu tân" (Bớt lửa dưới nồi) Kế này có nghĩa là giải quyết trên căn bản một vấn đề, chủ ý không cho nó phát ra (bớt lửa cho nước khỏi trào). Khi có một việc đã bùng nổ ra rồi (khi có vi phạm giao thông) thì cảnh sát giao thông phải tìm cách để vụ việc dịu đi, không để nó tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường, tuyêt đối cấm người không phận sự vào giải quyết. Tôi thấy rằng, có những vụ tai nạn xẩy ra, mọi người cứ túm tụm vào xem, gây ách tắc giao thông, chứ nhiều khi chưa biết cách giải quyết hợp lý (như dùng điện thoại di động gọi ngay cho cảnh sát giao thông hoặc gọi xe cấp cứu (nếu cần thiết).).
4. Cần giáo dục về an toàn giao thông từ các em học sinh tiểu học.
Liên quan đến chính sách này, theo Tôi, chúng ta cần áp dụng kế thứ 22 của binh pháp Tôn Tử là "Liên hoàn kế" (Kế móc nối nhau). "Liên hoàn kế" là nối liền với nhau thành một dây xích. "Liên hoàn kế" còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt. Để làm được điều này, theo Tôi các cảnh sát giao thông bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử phạt cần chủ động giáo dục ý thức cho người dân nâng cao việc chấp hành luật giao thông. Cơ quan cảnh sát giao thông cần lập ra Ban giáo dục, đào tạo phối kết hợp với nhà trường tiểu học để giảng dạy các em học sinh bậc tiểu học việc chấp hoàn an toàn giao thông (các nước phương Tây đã làm như thế, làm một cách bài bản, hệ thống). Tất nhiên, các bài giảng phải đơn giản, dễ nhớ, gây sự chú ý, tò mò cho các em theo phương châm "học mà chơi, chơi mà học" để tạo sự hứng khởi thú vị cho các em. Khi các em còn tuổi nhỏ, đã có được một nền tảng cơ bản được học, hiểu (dù ít) về các hành vi ứng xử an toàn giao thông, thì chắc chắn sẽ có tác động nhiều và tích cực sau này khi các em đã trưởng thành.
Hà Huy Từ
Luật Sư, Thường trực HĐQT
Công ty Cp xây dựng số 4 Thăng Long (TCT xây dựng Thăng Long)
Đường Phạm văn Đồng - Từ Liêm - Hà nội
Email: tuhahuy@yahoo.com