Ông Nguyễn Đức Trí, Trưởng ban vận động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc xã Sơn Đông
vận động, tuyên truyền các chủ tàu chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa
Để góp phần thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa, năm 2012, Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc đã chọn xã Sơn Đông làm điểm phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Trên cơ sở đó, xã Sơn Đông xây dựng mô hình “Thôn vận tải thủy với văn hóa giao thông” tại hai thôn Phú Hậu và thôn Phú Hậu Trung với sự tham gia của 140 chủ phương tiện. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người dân và các chủ phương tiện. Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm đúng thời gian quy định, tham gia bảo hiểm và được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy…Vận động chủ phương tiện chấp hành nghiêm hiệu lệnh của CSGT đường thủy và các lực lượng chức năng, có thái độ văn minh lịch sự khi được kiểm tra; tuyên truyền các hộ sống ven sông, những chủ bến bãi và những hộ thường xuyên sống trên sông chấp hành nghiêm các quy định như không cản trở dòng chảy, vi phạm an toàn luồng, lạch, đảm bảo an toàn giao thông tại bến neo đậu tàu, không đổ rác thải, chất thải xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, có tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm không để chúng lợi dụng sông nước hoạt động phi pháp.
Anh Lê Thế Nam, một chủ tàu vận tải đường sông tại đây cho biết: “Ngay khi chính quyền xã phát động phong trào và xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, là chủ tàu tôi và các thành viên luôn chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, tàu được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định, trên tàu được trang bị phao cứu sinh, bình cứu hỏa…để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện khác”.
Đến nay, các thuyền trưởng, máy trưởng của hai thôn đều có bằng lái, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Chủ phương tiện có danh sách thuyền viên để phục vụ tốt cho việc ra vào cảng bốc xếp hàng hóa. Các phương tiện hoạt động dần đi vào nền nếp, có thu nhập từ 60 -100 triệu đồng/tàu/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù trong quá trình hoạt động, các chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn như: Khủng hoảng kinh tế, hạn hán kéo dài, mực nước sông xuống thấp, việc làm không ổn định… nhưng các chủ phương tiện đã khắc phục khó khăn, đoàn kết xây dựng quỹ rủi ro gần 1 tỷ đồng để giúp đỡ các phương tiện khác khi xẩy ra tai nạn. Năm 2014, đã hỗ trợ cho 3 hộ có phương tiện bị đắm với số tiền 183 triệu đồng. Bên cạnh việc giúp đỡ nhau về kinh tế, các thành viên, hội viên, các chủ tàu tích cực tham gia đóng góp tiền, vật tư xây dựng nông thôn mới, phát triển phong trào thể dục thể thao, xây dựng quỹ khuyến học tại địa phương với số tiền trên 100 triệu đồng…
Ông Nguyễn Đức Trí, Trưởng ban vận động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc xã Sơn Đông cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình “Thôn vận tải thủy với văn hóa giao thông” còn một số hạn chế như: Việc thực hiện mô hình mới chưa có chiều sâu vì các chủ phương tiện thường xuyên sống trên sông nước, giờ giấc, sinh hoạt không ổn định. Hàng năm, chỉ có dịp Tết các chủ phương tiện mới tập trung đông đủ nên khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền.