Nước ngập trên đường Hùng Vương, TP. Bến Tre chiều 30/9/2019.
Hạn chế tầm quan sát
Đó là một trong nhiều nguy cơ mà người điều khiển phương tiện giao thông phải đối mặt khi tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết thất thường như mưa bão, thủy triều dâng. Do mực nước dâng lên cao ngập cả các tuyến đường giao thông, người tham gia giao thông chỉ còn chạy xe theo cảm tính, hoàn toàn không thấy mặt đường.
Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Luận - Phó trưởng Công an xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm cho biết: Hưng Phong là một xã bãi ngang nằm trên cồn, có địa hình tương đối thấp, hằng năm cứ vào dịp tháng 9, tháng 10 thì trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng thủy triều dâng. Có nơi nước dâng cao hơn mặt đất khoảng từ 40 - 50cm, gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại, sinh hoạt của bà con nhân dân. Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức đi làm, học sinh đi học phải bị ướt hết quần áo, tập sách khi không quan sát được mặt đường chạy thẳng xuống mương. Vào thời điểm nước dâng cao quá thì nhà trường xin ý kiến cấp trên thay đổi thời gian học hoặc cho nghỉ sau đó dạy bù để đảm bảo an toàn cho các em khi đi đến trường.
Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Hùng làm nghề buôn bán tại chợ đêm Bến Tre cho biết: Năm nay, nước dâng lên cao hơn mọi năm, khoảng 3 ngày gần đây là tuyến đường Hùng Vương thuộc khu vực Phường 2, TP. Bến Tre bị ngập nước. Lúc đỉnh điểm ngập lên đến khoảng 20 - 30cm, gây khó khăn cho việc tham gia giao thông của bà con nhân dân. Có trường hợp do nước ngập không thấy chướng ngại vật trên đường mà té ngã, nhiều khi chúng tôi phải đứng trên lề hướng dẫn cho bà con chạy.
Ngoài tình trạng thủy triều dâng thì còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông khi đi trong mùa mưa, bão. Thiếu tá Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Qua thống kê, vào mùa mưa, bão, tình hình tai nạn giao thông thường diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, gió, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Cụ thể như: khi đi vào lúc đang mưa, tầm nhìn của người lái xe bị hạn chế, mặt đường ướt, trơn trợt và cùng với tâm lý sợ bị ướt nên thường chạy với vận tốc nhanh để về nhà. Nếu gặp phải một tình huống bất ngờ thì người điều khiển xe rất khó để xử lý và dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khách quan như tham gia giao thông trong lúc đang mưa thì cây cối xung quanh có thể ngã, đỗ bất ngờ do gió mạnh hoặc mưa ngập nước có thể gây hư hỏng phương tiện, bị sụp lún vào các vị trí đang hư hỏng, chướng ngại vật trên đường và khi đi trên các vị trí có độ dốc cao như cầu, cống thì tình trạng nước chảy xiết, gió mạnh ảnh hưởng nhiều đến việc điều khiển xe.
Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thuỷ
Tham gia giao thông trên lĩnh vực đường thủy cũng nhiều nguy cơ tiểm ẩn không kém lĩnh vực đường bộ. Người điều khiển phương tiện trên đường thủy phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn như tầm nhìn bị hạn chế, mực nước dâng cao nhanh sau các cơn mưa, giông lốc thất thường, dòng nước chảy xiết… chỉ một sự lơ là, mất tập trung của người điều khiển phương tiện thì tai nạn giao thông có thể xảy ra ngay lập tức, nhất là nguy cơ đâm vào các công trình dọc trên sông.
Mới đây, lúc 9 giờ ngày 17/9/2019, anh Nguyễn Văn Lượm, sinh năm 1975, ngụ thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang điều khiển tàu sắt trọng tải 565 tấn biển số TG - 175.68 lưu thông trên tuyến sông Mã thuộc xã Mỹ Thành, TP. Bến Tre. Khi đến khu vực cầu sắt bắt qua sông Mã tại ấp Mỹ Hòa thì người điều khiển tàu sắt không kiểm soát và đâm vào làm sập nhịp giữa cầu gần 50m rơi xuống sông. Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân và làm thiệt hại về tài sản gần 500 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Lượm cho biết: Thỉnh thoảng tôi cũng thường chạy qua khu vực này nhưng do hôm nay thủy triều dâng cao quá, cứ tưởng như bình thường qua sẽ an toàn nhưng khi đến gần thì phát hiện không lọt do dòng nước chạy mạnh nên không xử lý kịp tình huống để sà lan đâm vào cầu.
Nói về những nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến giao thông đường thủy Thiếu tá Phan Hoàng Lê, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Khi điều khiển phương tiện trên tuyến giao thông thủy, bên cạnh những kỹ năng thì điều kiện thời tiết là rất quan trọng. Thời tiết tốt thì người lái tàu có thể đảm bảo tầm nhìn, còn thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến tầm quan sát, khả năng mất phương hướng do dòng nước chảy xiết và tình trạng giông lốc có thể gây chìm do lượng nước mưa chảy xuống tàu, ghe khi đang neo đậu mà không có người quản lý, trông coi. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ khác như dễ đâm va vào các công trình, cây cối bị ngập nằm bên dưới mặt nước nếu người điều khiển không quen địa hình, địa vật thì rất dễ xảy ra tai nạn.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong mùa mưa, bão, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn, trước hết là người tham gia giao thông phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông. Đồng thời, mọi người nên hạn chế tham gia giao thông lúc thời tiết đang mưa to hay bão cho dù là trên đường bộ hay đường thủy.
Nếu không thể tránh được thì người tham gia giao thông cần phải lưu ý tầm quan sát của người lái tàu, lái xe phải luôn đảm bảo, khi thấy nguy cơ mất an toàn thì phải dừng lại ngay tìm cách neo, đậu chắc chắn.