Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bình Xuyên kiểm tra nồng độ cồn
của người điều khiển phương tiện giao thông
Hậu quả khôn lường
Rượu, bia, đồ uống có cồn tồn tại phổ biến trong đời sống hằng ngày. Nếu sử dụng đúng chừng mực, rượu, bia có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thì rượu, bia sẽ trở thành mối hiểm họa, trong đó có nguy cơ gây TNGT.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Hà, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Sử dụng đồ uống có cồn sẽ làm chậm phản ứng của não, từ đó ảnh hưởng tới kỹ năng, khả năng lái xe của người điều khiển phương tiện.
Tùy thuộc vào nồng độ cồn trong máu mà người uống rượu, bia có các phản ứng khác nhau sau khi uống như buồn ngủ, giảm sự tập trung, giảm khả năng phán đoán và đưa ra quyết định hợp lý, đau đầu chóng mặt, không làm chủ được động tác, phản ứng chậm chạp trước các tình huống, nhìn kém…".
Trong các trường hợp nhập viện cấp cứu mà nguyên nhân do người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tự ngã hoặc gây tai nạn cho người khác mà Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận, ngoài các trường hợp tử vong, còn nhiều chấn thương nghiêm trọng để lại di chứng suốt đời cho bệnh nhân như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, vỡ các tạng trong ổ bụng; gãy, biến dạng chân, tay, thậm chí phải cắt cụt cả chân, tay.
Hoặc các di chứng như hôn mê sâu, sống thực vật, phải cắt bỏ 1 phần nội tạng do chấn thương nặng không bảo tồn được… Những di chứng này không chỉ gây đau đớn đối với người gặp nạn mà còn là nỗi xót xa, gánh nặng kinh tế, tinh thần cho gia đình, cộng đồng.
Không để "ma men" cầm lái
Để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.
Dù vậy, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông vẫn còn xảy ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 1.750 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Tính đến hết tháng 5 năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 4 người; so với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT không tăng, không giảm; đặc biệt, còn xảy ra một số vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây TNGT.
Để thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT năm 2022 trên địa bàn tỉnh từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 488 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các sở, ngành, chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường tuyên truyền đến đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trong việc tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động vận tải, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải cũng như kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện vận tải trước khi xuất bến, cảng, kho, bãi...
Cương quyết không cho xuất bến đối với xe ô tô không đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt đối với người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng rượu, bia và ma túy.
Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương, phòng chuyên môn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT nói chung, đồng thời xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy nói riêng.
Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT từ ngày 20/6-20/9.
Trong thời gian này, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, có nhiệm vụ xử lý vi phạm về nồng độ cồn với các biện pháp phòng ngừa, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn; tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; tập trung lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn...
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, mỗi người tham gia giao thông cũng cần tự nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông - vì sự an toàn của chính bản thân và gia đình, cộng đồng.