Hà Nội: Gấp rút chuẩn bị cho dự án đường Vành đai 4

Thứ hai, 24/10/2022 14:05 GMT+7

Trong khoảng 2 tháng, Hà Nội đã cắm được 2.000 mốc chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là cơ sở rất quan trọng để chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến tới khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Huyện Thường Tín công khai Bản đồ quy hoạch Dự án đường

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Hồng Vân. 

Tuyến đường chiến lược

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng của quốc gia. Dự án có tổng chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu của Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Dự án qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng 90 - 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

Đường Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và thực hiện thành công Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với khối lượng công việc rất lớn và các đặc điểm đặc thù của dự án (việc GPMB được tách thành dự án thành phần, vốn đầu tư dự án gồm nhiều nguồn khác nhau, nhiều thủ tục trình tự chưa có quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật, triển khai với nhiều cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua...) hiện nay, công tác triển khai dự án đang được TP Hà Nội cùng các sở, ban, ngành, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương gấp rút thực hiện.

Trao đổi với PV, Phó Trưởng phòng Dự án 2 (Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội) Lê Tuấn Tú cho biết: “Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, chúng tôi phối hợp cùng đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiến hành cắm và bàn giao mốc chỉ giới”.

Theo ông Lê Tuấn Tú, hiện nay, đơn vị tư vấn đang tập trung nhân lực để khảo sát trên hiện trường và theo tiến độ dự kiến công tác này sẽ kết thúc trong tháng 11/2022 và trình nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong năm 2022.

Chia sẻ với PV, ông Phạm Ngọc Thành - Trưởng xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho hay, ngay sau khi có chủ trương của TP Hà Nội, huyện Thường Tín đã tổ chức họp, thông tin và lấy ý kiến đóng góp của người dân. Những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô rất đồng thuận với chính sách đền bù, công tác đo đạc, cắm mốc chỉ giới đã được thực hiện xong.

“Người dân rất phấn khởi khi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phương. Tuyến đường là cầu nối giữa các địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi mong rằng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ.

Rốt ráo triển khai

Trước sự quan trọng và cấp thiết của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, những ngày qua, công tác cắm mốc chỉ giới được thực hiện liên tục, khẩn trương. Tính đến hết ngày 20/10, trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện cắm mốc 36/58,2km, đạt 60%. Dự kiến việc cắm mốc chỉ giới sẽ hoàn thành trước ngày 15/11/2022 để bàn giao cho các địa phương thực hiện GPMB.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm chiến lược cơ bản (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải - TEDI) cho biết: “Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mang tính chất phức tạp vì tuyến đường sẽ đồng bộ quy hoạch của các địa phương dọc theo dự án. Đồng thời, theo quy hoạch, TP Hà Nội còn có hệ thống đường sắt tương lai chạy song song và các tuyến quy hoạch đường sắt cắt ngang, quy hoạch đường bộ cắt ngang, các cao tốc hướng tâm. Do đó, công tác khảo sát địa hình, địa chất và cắm mốc chỉ giới là cực kỳ quan trọng, đây có thể coi là “nền móng” cho toàn bộ dự án”.

Theo ông Võ Thanh Bình, đối với công tác khảo sát địa hình đơn vị đã huy động 12 mũi triển khai khẩn trương trên toàn bộ dự án để kịp thời bàn giao, thực hiện cắm mốc chỉ giới. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đồng thời thực hiện công tác khảo sát địa chất để tiến hành tính toán giải pháp thiết kế.

“Để đảm bảo chất lượng, đánh giá chính xác, ngoài công tác khoan lấy mẫu, TEDI cũng áp dụng thêm nhiều công nghệ mới, hiện đại nhất để tiến hành việc khảo sát địa hình, địa chất. Bên cạnh đó, từng lỗ khoan, từng mẫu đất sẽ được đóng gói, chuyển về phòng thí nghiệm tiến hành phân tích. Các phòng thí nghiệm được đăng ký thực hiện công đoạn này cũng đều phải hợp chuẩn theo quy định” – ông Võ Thanh Bình cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Măng - Cán bộ phòng Dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội) chia sẻ: “Với tinh thần rất cao, quyết liệt của dự án, hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với cả Sở TN&MT cùng địa phương cắm xong 2.000/3.000 mốc chỉ giới và tiến hành bàn giao để GPMB. Dự kiến, công tác cắm mốc giới và bàn giao cho các quận, huyện sẽ hoàn thành trước ngày 15/11”.

Theo ông Lê Văn Măng, sau khi triển khai cắm mốc xong, đơn vị sẽ làm việc với các địa phương và bàn giao chi tiết từng cọc mốc. Thời gian phê duyệt phương án cắm mốc của Sở N&MT đến khi bàn giao cho địa phương sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày.

Liên quan đến việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho biết: “Dự án đường Vành đai 4 mang tính chất trọng điểm, giải quyết nhiều vấn đề về giao thông, quy hoạch cũng như hạ tầng của TP Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Với quy mô là một dự án lớn và phức tạp, tuy nhiên, công tác triển khai dự án đang được thực hiện một cách khẩn trương, nhanh chóng đáng để ghi nhận”.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)