Những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đang tăng cường tuần tra trên tuyến sông Lô để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, chủ phương tiện thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa bão.
Trung tá Chẩu Ngọc Anh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Hàng năm chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, Đội cảnh sát giao thông, trật tự các huyện tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy, bến đò qua sông.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa
Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 bến thủy nội địa, 39 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký, bao gồm 230 phương tiện vận tải hành khách và trên 550 phương tiện vận tải hàng hóa. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tiến hành kiểm tra, cương quyết xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm quy định về giao thông đường thủy. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản trên 10 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 40 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến phà, bến đò chở khách sông chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo giao thông đi lại an toàn khu vực lòng hồ, tạo thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, du lịch trong mùa du lịch hè 2024.
Trung tá Nguyễn Đức Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Na Hang chia sẻ, đơn vị tập trung rà soát, thống kê phương tiện thủy đang hoạt động trên lòng hồ và hạ lưu sông Gâm. Toàn huyện hiện có trên 80 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ và 300 thuyền khai thác thủy sản của người dân. Đồng thời Đội thành lập tổ công tác tăng cường kiểm soát phương tiện và sắp xếp việc neo đậu; nhắc nhở các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn.
Anh Hà Hữu Đức, thị trấn Na Hang (Na Hang) là một cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Anh cho biết, gia đình anh có 2 thuyền du lịch hoạt động trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Cơ sở của anh đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về ATGT đường thủy. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh và đảm bảo tốt các yếu tố kỹ thuật, anh cũng chủ động xem dự báo thời tiết và tư vấn cho du khách trải nghiệm du lịch vào những ngày thời tiết thuận lợi để đảm bảo an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, ý thức của người dân cũng như các chủ phương tiện đường thủy nội địa từng bước được nâng lên. Nhiều năm qua, Tuyên Quang không có vụ việc mất an toàn đường thủy nào xảy ra, tạo được sự an tâm, tin tưởng cho hành khách.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông đường thủy, nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đường thủy nội địa, góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo Báo Tuyên Quang