Chủ nhật, ngày 02/02/2025

Kiềm chế tai nạn giao thông vẫn còn là bái toán nan giải

Thứ năm, 28/10/2010 00:00 GMT+7
Trong Tháng An toàn giao thông, cả nước xảy ra 1.179 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt và đường bộ khiến 761 người bị chết, 985 người bị thương. So tháng 9-2009, số vụ TNGT và người bị thương do TNGT đều tăng khá cao. Việc kiềm chế TNGT vẫn còn là bài toán nan giải.
Trong Tháng An toàn giao thông, cả nước xảy ra 1.179 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt và đường bộ khiến 761 người bị chết, 985 người bị thương. So tháng 9-2009, số vụ TNGT và người bị thương do TNGT đều tăng khá cao. Việc kiềm chế TNGT vẫn còn là bài toán nan giải.
Việc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hình thành văn hóa giao thông của mọi người khi tham gia giao thông, nhất là thanh, thiếu nhi được lực lượng CSGT cả nước đẩy mạnh trong Tháng ATGT. Nhiều địa phương có nhiều cách làm sáng tạo như CSGT Hải Dương tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống loa truyền thanh, các tổ dân phố; CSGT Vĩnh Phúc phối hợp các Phòng An ninh văn hóa, An ninh kinh tế tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp; CSGT Hải Phòng tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 32/CP của Chính phủ cho hơn 2.000 sinh viên các trường: Ðại học Hàng hải, Cao đẳng Cộng đồng và Cao đẳng Kỹ thuật - Kinh tế Bắc Bộ. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, qua hình ảnh, băng hình, pa-nô tác động trực quan, giúp mọi người thấy rõ hậu quả TNGT gây ra, chủ động phòng ngừa.
Nguyên nhân gây TNGT do lượng xe lưu thông liên tục tăng, cơ sở hạ tầng còn bất cập, hệ thống tổ chức giao thông chưa đồng bộ; ảnh hưởng của thời tiết... Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng trạm CSGT Ba Hàng (Hải Dương) cho biết, mỗi ngày có hơn 10.000 lượt ô-tô, xe máy lưu thông trên quốc lộ 5, nay đã quá tải. Xe công-ten-nơ gây tai nạn nhiều, mỗi lần tai nạn xảy ra lại phải thuê cẩu từ Hải Phòng lên, cho nên việc chống ùn tắc, thông đường rất vất vả. Hơn nữa, tại quốc lộ 5, dải phân cách giữa xe thô sơ và người đi bộ tại nhiều điểm đặt chưa hợp lý, cho nên nhiều người đi đường bất cẩn đã tự gây TNGT. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đường sá được bê-tông hóa trong khi lượng xe ngày một tăng, do đó, vùng nông thôn, TNGT gia tăng. Ngược lại, ở các quốc lộ, tỉnh lộ được mở rộng nâng cấp, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu có chiều hướng gia tăng mạnh. Trên các tuyến quốc lộ, đa số người ngồi trên xe mô-tô chấp hành đội MBH nhưng không chấp hành ở đường huyện, xã, khá phổ biến.
Ngay từ đầu Tháng ATGT, lực lượng CSGT huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tập trung những địa bàn nóng bỏng hay xảy ra TNGT. Tại TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, Uông Bí, Ðông Triều, tuyến quốc lộ 18 và các tuyến đường nội thị ở Quảng Ninh vẫn còn tình trạng người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thanh niên chở ba người phóng nhanh, đánh võng gây mất trật tự công cộng, an toàn giao thông cho người dân đi đường. Phòng CSGT Quảng Ninh đã cử lực lượng tuần tra, bắt giữ xử lý, trong đó hóa trang ghi hình hành vi của các đối tượng quá khích, lạng lách đánh võng để xử phạt (có trường hợp phạt xe máy hơn sáu triệu đồng, ô-tô hơn mười triệu đồng). CSGT Hải Phòng cùng các lực lượng kết hợp tuần tra kiểm soát, mật phục và công khai, tập trung vào giờ cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... góp phần giữ vững TTATGT trên địa bàn. Ðại tá Lê Văn Kiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công an tỉnh áp dụng chế độ 'khoán', quy rõ trách nhiệm thủ trưởng các phòng nghiệp vụ và công an huyện, thị xã trong tỉnh giữ gìn TTATGT, tổ chức tổ công tác bí mật theo dõi để kịp thời chấn chỉnh sai phạm cán bộ, chiến sĩ, khởi tố các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người nhằm tăng tính răn đe, góp phần kiềm chế TNGT. Mặc dù CSGT tăng cường xử phạt, nhưng nhiều lỗi vi phạm nguy hiểm vẫn diễn ra, cho thấy ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông đang rất đáng báo động. Tình trạng không chấp hành hiệu lệnh CSGT, thậm chí chống lại CSGT vẫn rất bức xúc. Tính đến ngày 30-9, CSGT cả nước xử lý hơn 486.000 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước gần 100 tỷ đồng.
Sau hơn năm tháng thi hành Nghị định 34/CP đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Theo phản ánh của nhiều Phòng CSGT, nhiều lỗi vi phạm chỉ tăng tiền phạt cao hơn NÐ 146/CP nhưng không áp dụng hình phạt phụ là giữ xe, cho nên nhiều người vi phạm tỏ ra 'nhờn luật', sẵn sàng nộp tiền phạt, không hạn chế được lỗi vi phạm. Có lỗi không tạm giữ phương tiện, chỉ giữ giấy tờ xe, cho nên nhiều người 'lách luật' báo cơ quan chức năng là mất giấy tờ xin cấp lại. Phòng CSGT Bắc Ninh cho biết, số xe tạm giữ nay ít hơn nhiều, do đó từ đầu năm đến nay đã thiếu hơn 30 triệu đồng để trả tiền thuê kho, bãi tạm giữ phương tiện. Nhiều Phòng CSGT kiến nghị, cần quy định tạm giữ phương tiện, nhất là những lỗi trực tiếp gây TNGT, gây nguy hiểm trên đường như phóng nhanh, lạng lách, đánh võng... vì thực tế khi phạt giữ xe, người vi phạm không có phương tiện đi lại, sẽ lấy đó làm 'bài học' để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, các lỗi như phơi rơm rạ trên đường, phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ... thực tế khó xử lý.
Theo thống kê, khoảng gần 4% số vụ TNGT liên quan người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, nhưng trên thực tế số người lạm dụng bia rượu còn cao hơn nhiều và đã xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia khi lái xe. Ðể tăng cường năng lực xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã được trang bị nhiều thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó có máy đo nồng độ cồn để phát hiện và xử lý vi phạm, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Thượng tá Ðỗ Thế Khuynh, Trưởng phòng CSGT Quảng Ninh cho biết, việc xử phạt gặp khó khăn do nhiều người say rượu khi thổi, hơi bị loãng ra không khí nên nồng độ đo không chuẩn xác, có người nhất quyết không chịu thổi vì viện cớ lây bệnh... Phòng CSGT Bắc Ninh từng ra quân ở các đường có quán nhậu nhưng hiệu quả cũng không khả thi, máy đo nồng độ cồn cắm điện nguồn đo được, nhưng khi dùng điện ắc-quy lại không sử dụng được. Cục CSGT đã có Ðiện gửi công an các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền để mọi người biết, chấp hành nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chỉnh quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Báo Nhân Dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)