Văn hóa giao thông

Thứ ba, 21/06/2011 00:00 GMT+7
Những nước có trình độ phát triển cao, người tham gia giao thông thể hiện sự văn minh lịch lãm. Khi tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng, người đau yếu, tàn tật, người già, trẻ em, phụ nữ đều nhận được sự ưu tiên trong điều kiện có thể.
Văn hóa giao thông là một phạm trù khá rộng. Ở đây chỉ xin đề cập trên góc độ ứng xử của những người tham gia giao thông. Thực tế hiện nay khi ra đường ít nhiều đều dễ gặp những hình ảnh thiếu văn hóa, gây phản cảm cho những người chứng kiến.
Những nước có trình độ phát triển cao, người tham gia giao thông thể hiện sự văn minh lịch lãm. Khi tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng, người đau yếu, tàn tật, người già, trẻ em, phụ nữ đều nhận được sự ưu tiên trong điều kiện có thể. Họ không xô đẩy chen lấn nhau, không có sự biểu hiện ăn thua. Ô tô, xe máy và các phương tiện cũng như người lưu thông trên đường đều tuân thủ luật lệ giao thông. Những trường hợp bị khiển trách, bị phạt không nhiều như ở nước ta. Ý thức của người tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường đã đạt ở trình độ cao. Ngay ở một số nước láng giềng của ta dù kinh tế, xã hội không cao hơn ta, như: Thái Lan, Lào, nhưng văn hóa ứng xử trong giao thông của họ đáng để ta học tập. Họ điều khiển ô tô, xe máy trên đường ít khi bấm còi, rất ít xảy ra sự lộn xộn, luồn lách, va chạm, xích mích trên đường. Hiện tượng người mặc áo quần thiếu lịch sự ra đường hầu như không có...

Ở ta tình trạng thanh niên mặc quần đùi, áo may ô hay cởi bỏ áo phóng xe máy trên đường cũng còn xảy ra khá phổ biến, một số phụ nữ vốn bản chất kín đáo cũng ngang nhiên mặc những bộ đồ khó tả, rất phản cảm để ra đường biểu hiện một tầm văn hóa rất hạn chế. Vào những ngày hè không khó bắt gặp những thanh niên cởi áo, mặc quần đùi, xe máy không đeo biển số lượn lờ trên đường phố. Đêm khuya khi mọi người đã yên giấc ngủ thì có những nhóm thanh thiếu niên phóng xe gầm ga rú còi inh ỏi, với tốc độ cao qua những đường phố dân cư đông đúc. Thêm vào đó, việc tháo gương xe máy, lắp thêm hoặc thay các loại đèn, còi... sai với thiết kế của xe máy, đối với nhiều người trẻ tuổi như một hội chứng. Hiện tượng vừa đi xe đạp, xe đạp điện, xe mô tô vừa nhắn tin điện thoại, dàn hàng ngang trên đường khá phổ biến tạo thành hình ảnh không đẹp mắt, thiếu văn minh, vi phạm luật lệ giao thông. Một số lái xe ô tô quá hiểu luật nhưng vẫn cố tình đỗ xe song song trên đường, đôi khi gặp nhau dừng xe ngồi trong ca bin để nói chuyện; có người đột ngột dừng xe máy giữa đường để rút điện thoại ra nói chuyện bất chấp nguy hiểm và sự khó chịu của những người xung quanh. Khi có va chạm giao thông đa số là cãi vã, chửi bới, thậm chí còn xảy ra xô xát. Tất cả những biểu hiện, hành vi trên đều thể hiện rất thiếu văn hóa ứng xử trong giao thông.

Văn hóa ứng xử trong khi tham gia giao thông dù nhiều vấn đề không có quy định cụ thể nhưng đây là biểu hiện mặt bằng dân trí, thể hiện văn hóa của mỗi cá thể và là bộ mặt xã hội. Văn hóa ứng xử giao thông được quan tâm và thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chính cuộc sống của chúng ta.

Chinhpc(caobang.gov.vn)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)