Văn hóa giao thông khi vượt đường sắt

Thứ hai, 25/07/2011 00:00 GMT+7
Gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về con người lẫn vật chất. Tại địa bàn Hải Phòng cũng từng xảy ra tai nạn đường sắt, gây chết người. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông.
Gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về con người lẫn vật chất. Tại địa bàn Hải Phòng cũng từng xảy ra tai nạn đường sắt, gây chết người. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông.

Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội giao cắt với nhiều tuyến phố như Cầu Đất, Mê Linh, Cát Cụt, Trần Nguyên Hãn, Hùng Vương,.. thuộc địa bàn các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng. Từ ga Hải Phòng, mỗi ngày có hơn chục chuyến tàu đến và đi. Cùng với sự gia tăng số dân nội thành, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày một đông, mỗi chuyến tàu hỏa qua lại kéo theo nhiều phức tạp về giao thông. Vào 18 giờ 20 hằng ngày, trên tuyến đường Cầu Đất, phương tiện nườm nượp lưu thông, bất chợt sáng đèn báo hiệu tàu hỏa đến, còi báo hiệu hú vang, hai công nhân rảo bước chạy ra đẩy thanh ghi chắn tàu. Thay vì chấp hành luật giao thông, dừng lại chờ tàu đi qua, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông tranh thủ tăng tốc vượt qua đường sắt khi thanh ghi chưa đóng xong. Không chỉ có thanh niên đi xe máy “kẹp ba” không mũ bảo hiểm hay học sinh phổ thông đi xe đạp điện, mà nhiều người lớn cũng rồ ga băng qua khe hẹp giữa hai thanh ghi.


Hành vi vượt qua đường sắt khi tàu sắp tới là thói quen xấu của một bộ phận người dân trong khi tham gia giao thông … Theo quan sát thực tế, tại đoạn đường sắt cắt ngang đường Cầu Đất có 3 tấm ghi chắn (một bên 2 tấm, một bên 1 tấm), mỗi khi tàu đi qua, 2 công nhân làm việc tại đây rất vất vả nhắc nhở và ngăn những người cố tình băng qua. Thông thường, rào chắn đóng được 5 đến 7 phút, tàu mới chạy qua. Tuy nhiên, trong quá trình tàu chạy, nhiều sự cố phát sinh, nên việc tàu đến nhanh, chậm một chút là hoàn toàn bình thường. Ấy vậy mà, nhiều người không hiểu hoặc cố tình không hiểu, tỏ thái độ khó chịu, sẵng giọng, thậm chí văng tục, xúc phạm công nhân gác ghi, chỉ vì phải mất thêm vài giây đợi tàu. Anh Nguyễn Duy Bùi, 35 tuổi ở ngõ 299, đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) kể: “Không ít lần đứng đợi tàu qua trên phố Cầu Đất, chứng kiến cảnh chướng tai, gai mắt khi một số người có lời nói thiếu văn hóa, đòi công nhân gác ghi phải đẩy ghi để họ vượt qua”. Anh Lê Ngọc Đức, gần 30 năm trong nghề gác ghi tại trạm Cát Cụt km 100 + 53 thuộc Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Việt Nam, giãi bày: “Chúng tôi làm đúng phận sự nhưng nhiều khi phải chịu những lời xúc phạm, thâm tâm thấy ấm ức, tủi thân, song cũng không vì thế mà để họ đi qua được. Xảy ra tai nạn, chúng tôi không thể tránh khỏi trách nhiệm, nên dù gì cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”.


Để xây dựng nếp văn hóa giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể phối hợp tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua hệ thống pa nô, áp phích, bảng tin, biển báo về pháp luật giao thông, trong đó có các quy định an toàn giao thông đường sắt. Các trường học có hình thức giáo dục pháp luật về giao thông phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trang bị kiến thức về văn hóa giao thông để học sinh hiểu và có ý thức chấp hành từ khi còn nhỏ. Đoàn thanh niên các cấp nghiên cứu, bổ sung nội dung hoạt động tình nguyện bố trí đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia điều phối giao thông tại khu vực giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành. Tại những điểm giao cắt đường sắt, đường bộ thường phức tạp về giao thông, nên chăng có thêm lực lượng công an hỗ trợ công nhân gác ghi làm nhiệm vụ giờ cao điểm, hạn chế phức tạp giao thông.


Tunglt (baohaiphong.com.vn)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)