Điện thoại di động cũng được sử dụng phổ biến đến mức tràn lan trong nhà trường. Cũng trong khoảng thời gian này, số vụ học sinh đánh nhau là 177 vụ. Nhiều vụ đã được học sinh dùng điện thoại di động quay lại và đưa thông tin, hình ảnh lên mạng in-tơ-nét. Hậu quả là ảnh hưởng đến chất lượng học tập của một bộ phận học sinh, nhất là học sinh THPT. Chính vì vậy, từ tháng 3-2011, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thí điểm chương trình 'Các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và quản lý sử dụng điện thoại di động đúng mục đích trong và ngoài nhà trường' tại năm trường THPT: Việt Đức, Trần Phú, Kim Liên, Quang Trung và Phan Đình Phùng, nhằm lập lại trật tự giao thông, chống ùn tắc giao thông khu vực cổng trường; quản lý sử dụng điện thoại di động của học sinh.
Trong quá trình triển khai, nhà trường và các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các em, để các em tự giác chấp hành. Ngành giáo dục phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý, trong đó có hình thức quay băng hình để nhận diện học sinh đi xe máy. Ngoài những biện pháp nêu trên, mỗi trường lại có thêm những hình thức khác để thực hiện. Trường THPT Kim Liên đã tổ chức khu vực quản lý, trông xe cho những học sinh đủ điều kiện sử dụng xe máy, tổ chức cho học sinh đủ 18 tuổi chưa có bằng lái xe đăng ký dự thi để được cấp bằng; Trường THPT Việt Đức chủ động chụp ảnh học sinh đi xe máy đăng lên bảng tin, thông báo trong giờ sinh hoạt lớp và kết hợp với cha mẹ học sinh có biện pháp xử lý... Việc thực hiện mô hình thí điểm có sự vào cuộc của công an và chính quyền địa phương. Đến nay, chương trình đã đạt chuyển biến bước đầu. Học sinh các trường THPT Việt Đức, Trần Phú và Quang Trung không sử dụng xe máy khi chưa đủ điều kiện và dùng điện thoại di động sai quy định. Ở hai trường còn lại, tình trạng trên cũng giảm rõ rệt. Đây là cơ sở để năm học 2011 - 2012, ngành giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn hai, áp dụng tại các trường THPT còn lại thuộc bốn quận nội thành cũ.
Thành công bước đầu của chương trình cho thấy việc nâng cao văn hóa giao thông học đường cho học sinh hoàn toàn có thể làm được khi có sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, các lực lượng công an, đoàn thanh niên..., nhất là các bậc phụ huynh. Bản thân các bậc cha mẹ học sinh cũng phải nâng cao ý thức, xem xét lại việc giao xe máy cho con em, mua điện thoại cho con em có thật sự cần thiết hay không. Trong thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục có những hoạt động nâng cao văn hóa học đường, trong đó có việc đưa chương trình 'Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh thành phố Hà Nội' vào giờ học ngoại khóa. Những hoạt động này góp phần bồi đắp, hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ của Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Trần Tiềm theo http://baomoi.com.vn