Khắc phục hiện tượng "nhờn luật" thế nào?

Thứ hai, 25/01/2010 00:00 GMT+7

Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, chiếm gần một phần tư dân số, là nhóm đối tượng đông đảo trong số người tham gia giao thông. Hơn thế nữa, đây là thế hệ có tính chất quyết định đối với kỷ cương giao thông nước nhà trong tương lai gần. Song sự đầu tư về giáo dục pháp luật an toàn giao thông

 Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, chiếm gần một phần tư dân số, là nhóm đối tượng đông đảo trong số người tham gia giao thông. Hơn thế nữa, đây là thế hệ có tính chất quyết định đối với kỷ cương giao thông nước nhà trong tương lai gần. Song sự đầu tư về giáo dục pháp luật an toàn giao thông (ATGT), xây dựng văn hóa giao thông, hướng dẫn, tổ chức và tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho đối tượng này chưa tương xứng...

Ðến nhiều trường vào giờ tan học, chúng tôi thấy khá rõ hiện tượng học sinh không chấp hành quy định pháp luật và thực hiện lời dạy của thầy giáo, cô giáo về trật tự ATGT. Cụ thể là: nhiều học sinh ngồi sau xe máy do cha mẹ đèo không đội mũ bảo hiểm; các cháu sử dụng xe đạp thì đi hàng đôi, hàng ba; một số học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe đi bộ đến chỗ gửi mô-tô, xe máy (gọi chung là xe máy) ở bên ngoài; có cháu chạy xe máy chở "kẹp ba" vì không nỡ từ chối bạn muốn đi nhờ một đoạn... Ðiều này, phản ánh một thực trạng: giáo dục chưa đủ thấm, phần lớn học sinh biết các quy định nhưng thiếu ý thức chấp hành, nếu vi phạm cũng ít khi bị phạt, vì đây chưa phải là đối tượng cảnh sát giao thông tập trung xử lý. Ðó là nguyên nhân dẫn đến sự "nhờn luật" của một bộ phận khá lớn học sinh, sinh viên, thậm chí nhiều cháu còn coi những vi phạm nói trên như là trò tinh quái, nghịch ngợm của học trò...

Ủy ban ATGT quốc gia nhận thức được hậu quả của vấn đề nêu trên và đầu năm nay đã cảnh báo: "Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xử lý vi phạm về trật tự ATGT hiện nay là rất cần thiết, nhưng đó là giải quyết hậu quả "ở phần ngọn". Nếu không tập trung tích cực vào việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, thì tình hình trật tự ATGT trong thập niên tới sẽ phức tạp hơn hiện nay, và việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ gặp trở ngại từ phía trật tự giao thông". Ðể chuyển nhận thức đó thành hiện thực là một việc lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, từ hoạch định chiến lược đến những chương trình, kế hoạch hành động. Xuất phát từ thực tế, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Ðể nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đối với học sinh cần tăng cường sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa nhà trường, đoàn thể, gia đình, cơ quan cưỡng chế và xã hội, không chung chung mà phải thiết thực. Sự phối hợp cần tập trung vào việc gắn "học với hành", trước hết là trên đoạn đường từ nhà đến trường của từng bậc học, cấp học. Nhà trường cùng với lực lượng cảnh sát giao thông và cha mẹ học sinh điều tra nắm vững tình hình giao thông đoạn đường từ nhà đến trường. Trên cơ sở đó, tập dượt cho các cháu thành thạo các kỹ năng cũng như cách xử lý tình huống (lên dốc, xuống dốc, qua đò, qua đường, qua ngã ba, ngã tư...) và hướng dẫn các loại biển báo, các quy định cần lưu ý khi đi trên đoạn đường này. Ðồng thời, tổ chức kiểm tra (của lực lượng cảnh sát giao thông hay do nhà trường hoặc nhóm cha mẹ học sinh tổ chức) nhắc nhở các em khắc phục kịp thời các lỗi vi phạm thường mắc (đi hàng đôi, hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, đùa nghịch không đúng lúc, đúng chỗ, buông tay lái khi đi xe đạp, đèo ba hoặc bốn người trên xe máy...). Các học sinh phải cam kết chấp hành trật tự ATGT hoặc cam kết không tái phạm. Cùng với việc khuyến khích, biểu dương kịp thời những biểu hiện văn hóa giao thông, nhà trường có hình thức kỷ luật thích đáng đối với trường hợp cố tình vi phạm. Ðặc biệt, cảnh sát giao thông cần xử phạt nghiêm những học sinh vi phạm, với ý thức xử phạt cũng là một cách giáo dục sâu sắc, nếu cứ "thông cảm" sẽ gây tác hại lâu dài. Cách làm này, nếu thực hiện triệt để sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT, vừa chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân học sinh...

Mặt khác, quan tâm tổ chức vận tải khách công cộng tốt hơn đối với những luồng tuyến có đông học sinh, sinh viên, không để xe quá chật và chậm giờ. Ðồng thời, đẩy mạnh xây dựng ký túc xá, giảm bớt tình trạng phần lớn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp phải ở ngoại trú, làm tăng mật độ tham gia giao thông. Về lâu dài, cần bố trí địa điểm các trường học hợp lý và có đủ không gian cần thiết để bảo đảm trật tự giao thông trước cổng trường và hạn chế nguy hiểm. Hiện nay, ở các khu vực đô thị, nhiều trường học nằm trong các khu dân cư, đường hẹp, không còn chỗ để cha mẹ học sinh đỗ xe đưa đón con em. Ðối với các khu vực ngoài đô thị, nhiều trường học nằm cạnh các tuyến quốc lộ và điểm nút giao thông (đoạn quốc lộ 1A từ Thanh Trì (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An) có gần 800 trường học trong vòng bán kính hai km dọc tuyến, nhiều cổng trường mở trực diện ra quốc lộ), rất khó khăn trong việc bảo đảm trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Khắc phục những bất cập nói trên góp phần khắc phục một trong những nguyên nhân tâm lý dẫn đến "nhờn luật" do học sinh, sinh viên ngày nào cũng chứng kiến cảnh lộn xộn, mất trật tự và đối mặt với nguy cơ tai nạn ngay trước cổng trường...

Theo ND

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)