Văn hoá giao thông không phải là vấn đề trừu tượng, mà cụ thể hoá từ những việc thông thường như hiểu biết đầy đủ về luật giao thông và chấp hành nghiêm trật tự ATGT...
Mít-tinh hưởng ứng Tháng ATGT ở thành phố Ninh Bình.
Hàng ngày, khi tham gia giao thông trên đường phố, bên cạnh đại đa số người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định trong Luật Giao thông đường bộ, thể hiện mình là những người có văn hóa, vẫn còn có những người coi thường, không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường…Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe đạp, xe máy, ô-tô gây cản trở giao thông vẫn tồn tại trên một số tuyến đường, một số khu vực chợ.
Như vậy, văn hóa giao thông nhìn từ ý thức người dân vẫn còn nhiều điều đáng nói, đáng bàn. Để tạo chuyển biến cả trong ý thức và hành động của người tham gia giao thông, không chỉ là trách nhiệm của các lực lượng chức năng, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Tháng An toàn giao thông hằng năm được phát động nhằm mục đích góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn, ùn tắc giao thông và xây dựng môi trường văn hoá giao thông thân thiện, an toàn.
Năm nay, Tháng An toàn giao thông được phát động với chủ đề “Văn hoá giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”. Đây là năm thứ hai Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo, đưa vấn đề văn hoá giao thông lên hàng đầu. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngày 31-8-2010, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã đồng loạt ra quân hưởng ứng Tháng An toàn giao thông năm 2010 với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo khí thế thu hút sự quan tâm của cộng đồng về an toàn giao thông.
Văn hoá giao thông không phải là vấn đề trừu tượng, mà có thể cụ thể hoá từ những việc thông thường hàng ngày như hiểu biết đầy đủ về pháp luật và chấp hành nghiêm chỉnh trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, chia sẻ, giúp đỡ người khác; có ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông với tư cách là người tham gia giao thông hoặc người điều khiển giao thông. Văn hoá giao thông chính là biện pháp chiến lược trong trong việc bảo đảm an toàn giao thông.
Tạo thói quen văn hoá khi tham gia giao thông là yêu cầu chung đối với tất cả mọi người. Trong đó, chuyển biến về ý thức và hành động của thanh, thiếu nhi mang ý nghĩa quan trọng. Bởi thanh, thiếu nhi là lực lượng tham gia giao thông đông đảo, hiếu động nhất. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, với các nội dung, phương thức phù hợp cho từng loại đối tượng, đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong công tác đảm bảo trật tự trật tự an toàn giao thông.
Sự vào cuộc tích cực của các trường học, của tổ chức Đoàn - Hội - Đội, của từng gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Mỗi chúng ta hãy thể hiện mình là một người có văn hóa khi tham gia giao thông. Cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông là một việc làm cần thiết, với mục tiêu từng bước xây dựng thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật, xoá bỏ những thói quen tuỳ tiện vi phạm quy tắc giao thông; hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là với thanh thiếu niên; tạo một môi trường giao thông trật tự, văn minh, thân thiện, an toàn.
Báo Ninh Bình