"Tôi chứng kiến cảnh một bạn học sinh va quẹt ngoài đường TP.HCM, bạn ấy cười và xin lỗi, thế là được xí xóa bỏ qua. Nhưng ra tới HN thì xin lỗi không xong đâu nhé, thậm chí chưa kịp xin lỗi đã bị mắng chửi té tát. Thế là “a kay”, lao vào đánh lộn và có khi lấy dao đâm nhau…"
Câu chuyện của PGS Phạm Minh Hoà, ĐHQG TP.HCM nêu lên phần nào thực trạng văn hoá giao thông giới trẻ, khiến gần 100 đại biểu cùng suy ngẫm. Ý kiến này nêu ra tại hội thảo Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên TP.HCM, diễn ra mới đây.
Khi người lớn không dám nói: “Tôi không phạm luật giao thông"
Những người lớn quý phái, lịch thiệp, ca sĩ ăn mặc hào nhoáng mà còn vi phạm chứ riêng gì thanh thiếu niên – đó là một thực tế. Đặc điểm lứa tuổi này lại rất dễ bắt chước, a dua theo thần tượng. Và có khi không chịu dành thời gian để phân tích thế nào là tiêu cực, tích cực.
Ngoài ra cái tôi hình thành và đang phát triển nên thích thể hiện triết lí sống, cho dù đó là triết lí tiêu cực. Ví dụ phải chiến thắng khi đua xe, phải phóng nhanh vượt ẩu… lấy le với… bạn gái. Chỉ cần va quẹt là cãi cọ, chờ lâu phải nhấn còi để thuận lợi cho việc của mình, chứ không ý thức đó là phạm luật. Có em dù có thể biết luật nhưng thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc. TS tâm lí Đinh Phương Duy (Chủ tịch Hội Tâm lí TP.HCM) phân tích.
|
Những cảnh tượng thường gặp: chở ba... |
T.S Đinh Phương Duy cho rằng, không hô hào thanh niên hãy làm gì, nên làm gì mà người lớn nên nắm bắt tâm lí để hướng các bạn đến với văn hóa giao thông. Không chỉ là gửi danh sách học sinh vi phạm về trường như gần đây các Sở GDĐT vẫn làm, mà cần gửi về cả khu phố, nêu tên trong khu phố để gia đình và thiếu niên ấy cảm thấy xấu hổ với hành vi phạm luật giao thông.
Ngoài ra còn cần tuyên dương những tấm gương tốt có văn hóa giao thông. Như thế mới có thể thay đổi.
Bàn tiếp về văn hóa giao thông, thầy Nguyễn Minh Hòa nói: "Tôi chứng kiến cảnh một bạn học sinh va quẹt ngoài đường TP.HCM, bạn ấy cười và xin lỗi, thế là được xí xóa bỏ qua. Nhưng ra tới HN thì xin lỗi không xong đâu nhé, thậm chí chưa kịp xin lỗi đã bị mắng chửi té tát. Thế là “a kay”, lao vào đánh lộn và có khi lấy dao đâm nhau..."
Còn các nước không có mà ta có? Đó là câu chuyện đáng giật mình mà TS Nguyễn Văn Nghệ kể: Có một cậu quý tử của một quan chức nhân dịp sinh nhật của mình đã hào phóng mua một lúc 10 cái xe SH để… tặng bạn bè cùng đi chơi. Điều đáng nói, cậu này đang xài tiền "chùa" ba mẹ và chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe! |
Xác nhận điều này, TS Nguyễn Văn Nghệ, trường ĐH Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, ngày càng gia tăng hành vi thiếu văn hóa, đánh nhau, đâm nhau chỉ vì không có văn hóa giao thông, phần lớn là tuổi mới lớn, thanh thiếu niên. Mà 80% các vụ vi phạm, xử phạt giao thông lại ở độ tuổi 15 – 35.
Người lớn đứng xem và cổ vũ đua xe thì các bạn thanh thiếu niên sẽ ngông cuồng, quá khích hơn. Đám đông càng cổ vũ thì đua xe càng tăng. Do đó cần phát hiện và giải tán đám đông ngay từ đầu chứ không phải xảy ra mới xử phạt, truy đuổi. Càng truy đuổi có khi lại càng kích thích các bạn ấy vào “cuộc đua” mới với chính công an. Nhiều tai nạn đau lòng xảy ra cho người dân vô tội, có khi cả chính công an chỉ vì thế - cô Thân Thị Ngọc Phúc, Học viện Hành chính Quốc gia đưa ra một giải pháp dẹp đua xe.
Các đại biểu đều chung quan điểm: “Khi chúng ta còn không dám khẳng định “tôi không phạm luật giao thông” thì không nên phê phán thanh thiếu niên. Trước hết hãy làm gương, hãy tạo một không gian sống có văn hóa rồi mới nói thì thanh thiếu nhi mới bớt bị “lệch chuẩn”.
Tạo công viên giao thông để… giải phóng năng lượng
Anh Lê Văn Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn cho rằng, rất cần nghiên cứu triển khai các sân chơi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thanh thiếu niên, đặc biệt là các bạn tuổi mới lớn hiếu động.
Những sân chơi này sẽ đảm bảo tính giáo dục, thu hút sự quan tâm, sự tham gia của các đối tượng thanh niên, đồng thời lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật như phối hợp với CA TP thực hiện chương trình “Tôi là chiến sĩ cảnh sát giao thông”, phối hợp với Ban ATGT TP tổ chức giới thiệu, tập huấn kĩ năng lái xe an toàn cho học sinh PTTH. Đây là đường hướng thiết thực xây dựng văn hoá giao thông.
|
...và không đội mũ bảo hiểm. |
Ủng hộ điều này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra ví dụ: Rất nhiều nước trên thế giới đều có công viên, sân chơi chuyên về hướng dẫn ý thức tham gia giao thông cho thanh thiếu nhi. Chỉ một nội dung nhỏ thôi, như đặt các biển chỉ báo an toàn giao thông ở vị trí tập trung vui chơi giải trí của các em, sẽ khiến các em chú ý, nhớ và thực hiện.
Có nước còn có một phần công viên để các bạn thiếu niên tập xe, các bạn có thể đua xe trong đó. Như thế, các bạn ấy vừa giải phóng năng lượng (vốn tích trữ nhiều ở lứa tuổi này), vừa thực hiên tốt an toàn giao thông.
Theo PGS. Hoà, những bài học giao thông ở công viên dĩ nhiên sẽ vào hơn., thuyết phục hơn chỉ học "chay" trong lớp. Và, các đại biểu còn lưu ý teen này, dù bạn đi bộ, đi xe đạp, bạn cũng phải học luật thật kĩ, chứ chẳng riêng gì đi xe máy vì đều cùng tham gia giao thông.
Theo Bee