Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai được nhắc tới như một đơn vị khá điển hình với nhiều cách làm hay cũng như những kinh nghiệm tiêu biểu mà nhiều nơi, nhiều ngành cần học tập, nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, yếu tố quan trọng góp phần tạo nên văn hoá giao thông cho nhân viên khi tham gia lưu thông trên đường.
Tuyên truyền ATGT cho các em học sinh
Hiệu quả từ hoạt động thực tế
Có thể nói từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đến các đầu mối trực thuộc, hình ảnh dễ nhận thấy nhất chính là tác phong công nghiệp và văn hoá giao thông. Mỗi khi đến cổng công ty hoặc các đơn vị trực thuộc thì 100% cán bộ, CNVC-LĐ đều xuống xe, dắt qua cổng bảo vệ vào nhà gửi xe xếp gọn gàng. Một cán bộ của
công ty cho biết, nét văn hoá này chúng tôi duy trì rất lâu rồi, có thể nói gần như từ khi thành lập công ty, chỉ một cử chỉ nhỏ xuống dắt xe qua cổng bảo vệ đã thể hiện sự quy củ, chính quy của đơn vị, đây cũng chính là sự gương mẫu để tất cả khách hàng khi đến với công ty hay các đơn vị trực thuộc đều chấp hành như một sự tôn trọng lẫn nhau giữa chủ và khách.
Một nét văn hoá giao thông dễ thấy nơi đây là hàng lối của các loại phương tiện được sắp xếp gọn gàng. Về điều này, anh Hiếu tâm sự: “sắp xếp xe và phương tiện gọn gàng không chỉ là nét văn hoá mà còn đảm bảo an toàn mọi mặt như an toàn phòng cháy, an toàn khi vào công ty hay an toàn khi phòng gian”. Nét văn hoá này dễ nhận thấy nhất là vào các buổi sáng thứ hai hàng tuần, dường như mọi người đến sớm hơn, xếp xe và chỉnh đốn trang phục để làm lễ chào cờ. Một nhân viên ở đây nói rằng, chúng tôi đã quen ngăn nắp tại công ty nên rất khó chịu khi đến những nơi sắp xếp bừa bãi. Chính sự ngăn nắp đã giúp chúng tôi có hứng thú làm việc và hiệu quả công việc khá cao.
Vai trò quan trọng của Ban an toàn giao thông công ty
Để đạt những kết quả trên, ngoài Ban an toàn giao thông tỉnh (ATGT), cơ quan thường trực giúp việc tham mưu cho UBND tỉnh trong các vấn đề về ATGT thì ở đây cũng thành lập hẳn một ban ATGT do chủ tịch Hội đồng quản trị công ty làm trưởng ban, các bộ phận như công đoàn, thanh niên, đội xe và phòng ban công ty là các thành viên phụ trách trực tiếp các tiểu ban để có kế hoạch từ tuyên truyền, vận động đến nâng cao nhận thức cho toàn thể hơn 2500 cán bộ, CNVCLĐ nơi đây thực hiện. Anh Huỳnh Trọng Hiếu, phụ trách tiểu ban chuyên môn ATGT cho biết, từ năm 2007 đến nay, tiểu ban chuyên môn đã đề xuất với công ty có kế hoạch phối hợp với Phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và Ban ATGT tỉnh để thành lập và cho ra đời Ban ATGT của công ty. Khi Ban ATGT được thành lập thì các hoạt động chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, tổ chức phát động thi đua, vận động toàn thể cán bộ CNVC-LĐ cùng hưởng ứng thực hiện. Tổng kết hơn hai năm hoạt động cho thấy: 100% cán bộ CNVC-LĐ đều chấp hành và tuân thủ pháp luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông và lái xe cơ giới. Hàng năm, công ty tổ chức cho các phòng ban đăng ký thi đua thực hiện ATGT và tổ chức kiểm tra, chấm tréo để đánh giá thực chất. Riêng với đội xe, ngoài phát động phong trào chung, tiểu ban chuyên môn còn tham mưu tuyên truyền vận động trên 80 công nhân lái xe thực hiện phong trào “yêu xe như con, quý xăng như máu”, 100% đăng ký thực hiện phong trào “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” với 3 mục tiêu lái xe an toàn, giữ xe tốt; giữ gìn tư cách đạo đức của người lái xe và thực hành tiết kiệm chống lãng phí…đều được anh em lái xe thực hiện. Kết quả đội xe của công ty hoạt động khá hiệu quả với trung bình gần tám chục đầu xe hoạt động gần 1000km/ngày nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tiết kiệm xăng và phục vụ tốt cho các nhiệm vụ công tác đột xuất và thường xuyên của công ty. Qua tổng kết 2 năm 2007-2008, Công ty không để xảy ra tai nạn giao thông, không có cán bộ CNVC-LĐ vi phạm các quy định về ATGT; 4 tập thể và 20 cá nhân vinh dự được Ban ATGT tỉnh khen thưởng.
Do vậy năm 2009 là năm thứ 3 khi phát động hưởng ứng tháng cao điểm về ATGT thì văn hoá giao thông nơi đây càng được thể hiện rõ. Nhìn qua bản đăng ký thi đua với 3 mục tiêu lớn cho thấy khi tất cả mọi nhân viên và người lao động cùng vào cuộc thì dù khó cũng thực hiện được và khi đã thành nếp thì chuyện lớn thành chuyện nhỏ. Kinh nghiệm này thiết nghĩ nên phổ biến rộng rãi để các ngành, các địa phương cần học tập hoặc rút kinh nghiệm cho ngành mình, địa phương mình, hạn chế tối đa tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính vẫn do nhận thức và chủ quan khi tham gia giao thông.
Theo Báo ĐN