Văn hóa luôn là yếu tố song hành tạo nên nét đẹp của con người trong cuộc sống hiện đại. Trong đó, văn hóa giao thông cũng là một yếu tố rất quan trọng góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, làm giảm tỉ lệ tai nạn giao thông, xây dựng nét đẹp của người tham gia giao thông. “Thanh niên với văn hóa giao thông” là chủ đề chính trong buổi hội nghị do Trung ương Đoàn phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức vào sáng ngày 19/9/2009 tại Nhà văn hóa Thanh niên.
Văn hóa từ những thói quen
Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” được phát động từ tháng 9/2009 đến hết tháng 9/2012. Theo đó, hằng năm Trung ương Đoàn tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền đến các cơ sở và năm 2009 sẽ hoàn thành tập huấn cho 800 tuyên truyền viên là cán bộ Đoàn, Hội của 30 tỉnh, thành khu vực miền núi Đông Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông hồng, Đông Nam bộ và 1 lớp tập huấn cho các tăng ni tại Học viện Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn phát động các cấp cơ sở xây dựng và tuyên truyền, giới thiệu “Sứ giả văn hóa giao thông” với thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân, tổ chức cuộc thi ảnh “Mũ bảo hiểm với trẻ em”, bình chọn “Doanh nghiệp vận tải thân thiện, lái xe khách an toàn” trên mạng Internet và báo đài của TW Đoàn; đẩy mạnh tuyên truyền đông đảo người dân tham gia giao thông an toàn, có văn hóa. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn khuyến khích Đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ, giữ gìn và xây dựng các công trình giao thông công cộng.
Tại TP.HCM, đông đảo đoàn viên thanh niên đã nhiều lần tham gia giải quyết trình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và dần xây dựng được hình ảnh thân thiện với người dân. Với dân cư đông trên 8 triệu người và mật độ lưu thông dày đặc, gây ùn tắc, kẹt xe tại các điểm nút thắt giao thông thì văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông cần phải đẩy mạnh.
Nói như tiến sĩ tâm lí Huỳnh Văn Sơn (trưởng bộ môn tâm lí học trường ĐH Sư phạm TP), văn hóa của người dân khi tham gia giao thông chưa thật sự tốt, từ những hành vi như chạy ẩu, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, dừng không đúng vạch, đi sai phần đường qui định… trở thành một thói quen xấu của một bộ phận người dân. Từ đó, tạo nên một văn hóa giao thông “kì dị”. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để xây dựng nhiều chương trình mang tính lâu dài vì thay đổi hành vi, thói quen cần sự kiên trì; thói quen phải được thay đổi từ những hành vị rất nhỏ để góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Góp phần cho thành phố đẹp hơn
Ngoài ra, tại các cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố, Thành Đoàn cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng. Đó là việc đưa nội dung giáo dục pháp luật và tình hình trật tự an toàn giao thông ở địa phương vào các buổi sinh hoạt tọa đàm, thảo luận của chi đoàn, chi hội…; duy trì và nhân rộng các đội hình phản ứng nhanh tham gia trực chốt giao thông tại các giao lộ trọng điểm ngoại thành, nút giao thông cửa ngỏ thành phố, các tuyến đường hay ùn tắc giao thông. Xây dựng các bảng chỉ dẫn giao thông trong giờ cao điểm.
Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam TPHCM phát biểu tại hội nghị cho biết dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ kéo giảm 40% số thanh niên vi phạm giao thông so với thời điểm năm 2008; mỗi năm huy động 100.000 thanh niên tham gia tuyên truyền an toàn giao thông.
Tại quận, huyện, các cơ sở Đoàn phối hợp với Ban An toàn giao thông quận, huyện tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm tại các khu dân cư, tổ dân phố, trường học nhằm phổ biến kiến thức pháp luật giao thông cho người dân. Vận động người dân đội mũ bảo hiểm và hướng dẫn trẻ em đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, trong tháng thanh niên (tháng 3) sẽ có nhiều hoạt động tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và trong tháng An toàn giao thông quốc gia (tháng 9) sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” và bám sát chủ đề của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Sau hội nghị “Thanh niên với văn hóa giao thông”, từ 18/9 đến 21/9, TW Đoàn và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền về văn hóa giao thông dành cho tuyên truyền viên cấp cơ sở khu vực miền Đông Nam Bộ. Trong đó, tập huấn kĩ năng lái xe an toàn, lí thuyết lái xe an toàn, tổng quan tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi…
Hội nghị cũng đã biểu dương 65 cảnh sát giao thông và đoàn viên thanh niên trên địa bàn cả nước đã có thành tích xuất sắc tuyên truyền an toàn giao thông.
Theo Website tỉnh đoàn Đồng Nai