Không ồn ào! Lặng lẽ quan sát, phân tích rồi hành động... đó chính là những tính cách dễ nhận thấy nhất ở anh, người đã cống hiến bằng cả sức trẻ, trí tuệ... để làm lên linh hồn cho Kênh VOV Giao thông – Giám đốc Trung tâm Quảng cáo Đài TNVN Vũ Minh Tuấn. Theo anh, với hơn 10 ngàn cuộc điện thoại của những người tham gia giao thông ở Hà Nội gọi đến Kênh trong tháng đầu thử nghiệm đã là phần thưởng quá lớn đối với anh cũng như các đồng nghiệp ở trung tâm...
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh về quá trình xây dựng Kênh VOV Giao thông.
PV: Là người trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng một kênh phát thanh “độc” ở Việt Nam, anh có thể chia sẻ đôi chút về công nghệ áp dụng cho Kênh VOV Giao thông? Có người nói: Anh là người dũng cảm?
Ai cũng vậy, khi hình thành ý tưởng thì đã phải ý thức được vấn đề cần giải quyết là tích lũy, đào sâu và dần biến nó thành hiện thực. Với tôi, lúc đầu mới là ý tưởng nên chỉ âm thầm “đi” một mình. Sau khi đã “chín” lại tiếp tục thuyết phục 1 người, 2 người, 1 nhóm người, rồi dần dần đến Ban lãnh đạo Đài. Và theo tôi, nói đến dũng cảm là phải nói đến lãnh đạo Đài, những người dám quyết, dám trao trọn niềm tin cho chúng tôi.
Đối với Kênh Giao thông, ở những nước tiên tiến thường sử dụng cáp quang. Còn ở Việt Nam, chúng tôi sử dụng hệ thống camera giám sát cùng công nghệ wifi. Việc sử dụng hệ thống camera giám sát và công nghệ wifi là nhằm đảm bảo không bị lệ thuộc vào bất cứ các nhà cung cấp mạng nào cả. Nó sẽ giúp những phóng viên, biên tập viên và người dẫn chương trình có thể tương tác trực tiếp với người nghe và những người đang trực tiếp tham gia giao thông.
|
Ông Vũ Minh Tuấn người đứng giữa
|
PV: Bất ngờ lớn nhất của anh khi Đề án Kênh VOV Giao thông đi vào hoạt động là gì?
Thứ nhất, đó chính là việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông ở Hà Nội. Chỉ trong tháng đầu thử nghiệm, hơn 10.000 cuộc điện thoại gọi đến phản ánh tình trạng giao thông trên địa bàn và được anh em phóng viên hiện trường kiểm tra, phản ánh ngay lên sóng. Có thể nói, đó là văn hóa giao thông, chỉ có điều trước đó chưa ai khơi gợi được và chưa giúp được họ có cơ hội để thể hiện.
Thứ hai, khi VOV Giao thông đi vào hoạt động, chúng tôi rất lo lắng về đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để lấy thông tin. Nhưng ngược lại, chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của những cộng tác viên tình nguyện - những người tham gia giao thông - mà mục đích chính chỉ đơn giản thông báo vị trí nơi đang bị ùn tắc hay có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo tôi, có thể ví đây như 1 món ăn mới. Điều quan trọng là phải biết duy trì, đồng thời phải tạo ra sự đa dạng trong khẩu vị của các món ăn để tạo sức hấp dẫn đối với người thưởng thức.
PV: Và đó chính là thành công mà VOV Giao thông đã đạt được?
Dù mới ra mắt được hơn một tháng nhưng VOV Giao thông đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ phía độc giả. Đó là sự động viên rất lớn cho những người làm chương trình và cũng có thể coi là bước đầu cho sự thành công. Ở đây, mỗi phóng viên, biên tập viên của chương trình đồng thời cũng là những người làm tiếp thị, kinh doanh. Cả “hai vai” này luôn có sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giúp mỗi người hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Đó chính là bản sắc riêng không thể trộn lẫn của VOV Giao thông.
Thời gian vừa qua, Quốc hội cũng như Chính phủ đã bàn nhiều về những giải về tai nạn và ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, theo tôi, để có những giải pháp hữu hiệu thì phải xuất phát từ thực tế và có sự đóng góp ý kiến từ chính người dân. Cho nên, VOV Giao thông được xây dựng như một diễn đàn để những người tham gia giao thông có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, đồng thời cũng giúp ích cho những người khác khi tham gia giao thông. Và việc thực hiện chương trình giao lưu trực tiếp với thính giả chính là một trong nhiều nét đặc trưng, tạo nên sự hấp dẫn của VOV Giao thông với thính giả.
|
Trong phòng thu kênh Giao thông Đài TNVN
|
PV: Được biết, mô hình chỉ dẫn giao thông cũng đã được thực hiện ở một số nước. Theo anh, điểm khác biệt trong mô hình này ở Việt Nam như thế nào?
Chẳng hạn như Trung Quốc, việc chỉ dẫn giao thông chủ yếu dựa vào hệ thống hướng dẫn giao thông và cảnh sát, còn những nguồn thông tin được cung cấp chủ yếu từ những cộng tác viên. Ở Singapo, việc chỉ dẫn giao thông dựa vào hệ thống định vị toàn cầu... Còn ở Việt Nam, chúng tôi xây dựng Kênh VOV Giao thông với một hệ thống camera giám sát chặt chẽ tại hầu hết các nút giao thông trọng yếu trên địa bàn và công nghệ wifi. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại, người tham gia giao thông sẽ được thông báo chi tiết hiện trạng đường phố như thế nào? và được hướng dẫn nên chọn con đường nào thuận lợi nhất để đi... Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa Kênh VOV Giao thông Việt Nam so với những nước khác.
Sự hoàn thiện VOV Giao thông cũng là bước khởi đầu cho sự ra đời của Mobile TV với 3 cấp độ khác nhau. Ở cấp độ thứ nhất, muốn biết giao thông thời điểm này như thế nào, người tham gia giao thông có thể sử dụng dịch vụ điện thoại thuê bao để có được những bản tin text (văn bản). Cấp độ thứ 2 là cùng với những bản tin text, còn có thể nghe được tiếng (voice). Đến cấp độ thứ 3 là cả bản tin text, cả voice và cả hình. Đó chính là lộ trình mà VOV Giao thông đang hướng đến.
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Đài, thời gian tới đây, VOV Giao thông sẽ tiếp tục được mở rộng ra các thành phố khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh...
PV: Được biết trong đợt bảo vệ luận văn tốt nghiệp tại Học viện Hành chính Quốc gia vừa qua, đề tài anh chọn lại chính là Kênh VOV Giao thông?
(Cười)... Mình nghĩ, vấn đề lý luận nào cũng cần có sự trải nghiệm của thực tiễn, và cũng chính vì kết quả khả quan của VOV Giao thông mà mình “liều” chọn vấn đề này làm đề tài bảo vệ tốt nghiệp, đồng thời được Hội đồng giám khảo đánh giá cao...
PV: Xin cám ơn những chia sẻ rất tâm huyết của anh và chúc cho VOV Giao thông sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa!
Theo VnMedia