Tám tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 149 vụ TNGT, làm chết 139 người, bị thương 96 người, tăng cao cả về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là các vụ tai nạn đều xảy ra ở đường bộ, đối tượng liên quan đến tai nạn hầu hết là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy (chiếm hơn 80%).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn thiếu quyết liệt; hoạt động tuyên truyền chưa sâu rộng, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của một bộ phận người dân còn kém. Tình trạng người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia say vẫn điều khiển phương tiện, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định còn diễn ra ở nhiều tuyến đường, nhất là ở khu vực nông thôn và buổi tối; hoặc chấp hành song dưới hình thức đối phó như đội mũ bảo hiểm không cài quai, thiếu hợp tác khi bị xử lý, thậm chí có biểu hiện chống đối… làm cho công tác này thêm khó khăn, phức tạp. Cùng đó tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra tại nhiều nơi, trong khi việc giải toả tiến hành chậm.
Dừng, đỗ xe đúng quy định, đi đúng làn đường là một nét đẹp trong văn hóa giao thông
Khắc phục những hạn chế nêu trên và để thực hiện có hiệu quả chủ đề của tháng ATGT năm nay là "Tháng văn hoá giao thông", các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về bảo đảm ATGT. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong quá trình thực hiện chú ý những điểm mới của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 cũng như các tiêu chí và hành vi thể hiện văn hoá giao thông để nhân dân biết, thực hiện, như: tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; có thái độ tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ người khác và ứng xử văn minh khi xảy ra va chạm giao thông, tự giác chấp hành quy định xử phạt hành chính khi vi phạm.
Từ nguyên nhân và những hạn chế, khuyết điểm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua cho thấy, các lực lượng chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Khi thi hành công vụ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; không sách nhiễu, tiêu cực; tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn, người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi. Việc xử lý cần tập trung vào những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường; uống rượu, bia say vẫn điều khiển phương tiện; không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm (hoặc đội không đúng quy cách)... Tuyến giao thông cần tập trung là đường bộ, đối tượng chủ yếu là người điều khiển mô tô, xe máy. Cùng đó, để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc xây dựng văn hoá giao thông, các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức giải toả triệt để hành lang ATGT đi đôi là xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm.
Hưởng ứng Tháng ATGT, toàn xã hội và mỗi người hãy bằng hành động cụ thể, chấp hành nghiêm túc, tự giác các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Cư dân sinh sống ven đường không lấn chiếm hành lang ATGT; đồng thời có ý thức đấu tranh, phê phán và ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thực hiện tốt những nội dung nêu trên chính là mỗi người đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng văn hoá giao thông, phấn đấu giảm TNGT trong tháng ATGT năm nay, qua đó tạo tiền đề ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi TNGT trong những tháng cuối năm.
Theo Báo BGĐT