Luật Giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông

Thứ năm, 10/09/2009 00:00 GMT+7
Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động quan trọng của đời sống và mang tính chất xã hội sâu sắc, phải tuân thủ những quy tắc, gồm hệ thống các luật và văn bản hướng dẫn thực hiện, để bảo đảm sự vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả, gọi là "luật cứng".

Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động quan trọng của đời sống và mang tính chất xã hội sâu sắc, phải tuân thủ những quy tắc, gồm hệ thống các luật và văn bản hướng dẫn thực hiện, để bảo đảm sự vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả, gọi là "luật cứng". Hoạt động này là của con người và vì con người, nhất định phải chịu sự chi phối của các chuẩn mực đạo đức và văn hóa, cho nên có thể nói văn hóa khi tham gia giao thông là một dạng "luật mềm".

Ðịnh nghĩa về văn hóa khi tham gia giao thông

Hai dạng luật nói trên có sự đan xen và khá nhiều hành vi có văn hóa khi tham gia giao thông (VHGT) đã được "luật hóa" trong các quy tắc giao thông (xin đường, nhường đường, cứu người bị nạn...) song VHGT vẫn có sự khu biệt nhất định. Trong một lần làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói về VHGT một cách dân dã như sau: "Coi mọi hành vi cố tình vi phạm là thiếu văn hóa, đáng hổ thẹn. Khi người vi phạm biết ngượng và bị mọi người chê trách thì mới tạo lập được nền tảng văn hóa cho việc chấp hành luật lệ giao thông, giữ gìn trật tự, vệ sinh, cũng như tuân thủ mọi quy định khác của pháp luật".

Chuẩn bị cho Tháng ATGT năm nay, Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng nội dung cơ bản về VHGT, trong đó xác định: "VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông" và "coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông". Lẽ phải, cái đẹp, cái thiện, chuẩn mực đạo đức truyền thống và biểu hiện văn minh hiện đại nói trên thể hiện trước hết ở trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật...

Chấp hành Luật Giao thông ở tầm văn hóa

VHGT dường như có phạm vi quá rộng, song nó đã, đang hiển hiện hàng ngày hoặc ở dạng "tiềm ẩn" trong mỗi con người và thiết chế xã hội. Như các cụ ta thường nói "nhân chi sơ tính bản thiện", đức tính cơ bản đó được hun đúc, bồi dưỡng trong thực tế cuộc sống và thông qua giáo dục đã hình thành những nét đẹp truyền thống cũng như hiện đại về cách ứng xử văn hóa trên nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Vấn đề là phải tiếp tục khơi dậy, vun đắp những nét đẹp đó trong hoạt động giao thông, mở đầu bằng Tháng ATGT năm nay và nên có kế hoạch thực hiện bền bỉ, liên tục. Trên cơ sở đó, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực và kiểu chấp hành "đối phó", củng cố kỷ cương giao thông và xây dựng môi trường văn hóa "người vi phạm biết ngượng và bị mọi người chê trách". Tương tự như cách nói dân gian "lạt mềm buộc chặt", một khi môi trường này định hình, dù không có chế tài xử phạt, song một cái nhún vai, một cái lắc đầu hoặc một ánh mắt không đồng tình đối với hành vi vi phạm đôi khi có tác dụng rất lớn...

Cần đổi mới về nhận thức, tiếp cận các quy tắc giao thông từ góc độ văn hóa. Thí dụ: Vi phạm vượt đèn đỏ nhiều người cho là chuyện nhỏ, song Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ðiện (Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Về mặt pháp lý, vượt ngã tư khi đèn đỏ không chỉ được xác định là hành vi không tôn trọng luật lệ giao thông; đó còn là hành vi chiếm đoạt trái phép quyền sử dụng đèn xanh của người khác. Về mặt đạo đức, hành vi này được phân tích thành một vụ ăn cắp (quyền của người sử dụng đèn xanh)". Tương tự như thế, khi bị cảnh sát giao thông xử lý về vi phạm sử dụng đồ uống có cồn, hầu hết người điều khiển phương tiện đều thanh minh: "Vui với bạn bè quá chén, các anh thông cảm". Khoảng cách giữa thú vui ẩm thực và mầm mống tai họa thật mong manh. Trong thực tế, vui theo kiểu này là nguyên nhân gây ra biết bao tai nạn, có vụ làm hàng chục người chết. "Thông cảm" đúng nghĩa là một tình cảm thuộc phạm trù văn hóa, song trong trường hợp nói trên, nếu người thi hành công vụ "thông cảm" thì chẳng khác nào "tiếp tay cho kẻ gieo rắc tai họa" và góp phần làm gia tăng tình trạng "nhờn luật"...

Nhìn từ góc độ "tất cả những gì tốt đẹp nhất, an toàn nhất phải dành cho trẻ em", thì hình ảnh chúng ta thường gặp trên đường gây phản cảm: các bậc cha mẹ điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH), đèo con lại để đầu trần. Ở nhiều quốc gia đã định hình thói quen đội MBH khi ngồi trên mô-tô, xe máy, người ta đã khẳng định tác dụng của MBH thông qua nghiên cứu và khảo sát thực tế. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá: MBH làm giảm 69% nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não, kết quả này đúng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ em. Phần lớn các bậc phụ huynh có hành động "phi văn hóa" nói trên là người biết chăm lo cho con em những điều rất cụ thể, còn phòng ngừa chấn thương sọ não cho các cháu nhỡ khi tai nạn xảy ra lại quan tâm chưa đủ mức, không coi đây là việc hết sức thiết thực cần ưu tiên thực hiện. Cho nên, "chìa khóa" để giải quyết vấn đề này trước hết là khai thông nhận thức của các bậc phụ huynh. Ðồng thời nhà trường, xã hội nên tiếp tục có sự sẻ chia, hỗ trợ, nhất là đối với học sinh nghèo, để các cháu có được chiếc MBH đạt chất lượng (trường hợp qua đò thì cần phao cứu sinh), bảo đảm an toàn khi đến trường. Ðể khắc phục một hiện tượng "phi văn hóa", cách giải quyết tốt nhất không hẳn là xử phạt, mà rất cần những nghĩa cử mang nét đẹp văn hóa (chia sẻ, hỗ trợ) tạo thêm điều kiện để người trong cuộc vượt qua những hạn chế hoặc khó khăn...

Theo chúng tôi, biện pháp hàng đầu để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT và xây dựng VHGT là tuyên truyền và nêu gương. Ðối tượng quan trọng nhất mà gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp tạo sự chuyển biến chấp hành Luật Giao thông ở tầm văn hóa là thanh niên, thiếu niên và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Cùng với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu nói trên sẽ là một việc làm mang ý nghĩa "xoay chuyển tình thế" đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trước mắt cũng như lâu dài...
Theo Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)