Thực hiện Kế hoạch số 238 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc Gia, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phát động Tháng An toàn giao thông năm 20009, với chủ đề trọng tâm là "Tháng Văn hoá giao thông" trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm của Tháng An toàn giao thông là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc hưởng ứng đợt vận động “Toàn dân tham gia phong trào đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Cụ thể người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông đường bộ “Đi đúng tuyến, dừng đúng vạch, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe 2 bánh gắn máy". Trong Tháng An toàn giao thông năm 2009, lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông kiên quyết không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và phát động Tháng An toàn giao thông trong nhà trường, hướng dẫn phụ huynh và học sinh giữ gìn trật tự tại khu vực trước cổng trường vào giờ đi học và tan trường.
Hội thi An toàn giao thông
Tháng An toàn giao thông năm 2009 bắt đầu thực hiện từ ngày 31/8/2009, chủ yếu tập trung xây dựng môi trường “Văn hóa giao thông”, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế. Xác định tuyên truyền giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu gắn với phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT”; thực hiện kiên trì, liên tục, nâng cao tính chuyên nghiệp, chọn đúng chủ đề và nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng. Ðồng thời tăng cường cưỡng chế, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với các hành vi điều khiển xe môtô lạng lách, đánh võng, chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, những hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…Trong công tác tuyên truyền giáo dục, xác định đối tượng trọng tâm của hoạt động giáo dục văn hóa giao thông là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng giáo dục nâng cao ý thức công dân, thực hiện tốt pháp luật và những quy định khi tham gia giao thông; có cách ứng xử, hành động văn minh khi tham gia giao thông; đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản... cho mình và cho mọi người; không vô cảm trước những nạn nhân bị tai nạn; đấu tranh phê phán mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm luật giao thông; tích cực phối hợp giữa các ban, ngành và các đoàn thể làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông...
Sau một tuần triển khai Tháng An toàn giao thông, đúng vào dịp vui đón tết Độc lập và Tuần Văn hóa-Du lịch-Thể thao; có nhiều phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường qua đánh giá của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh: Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Phổ biến là các hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu… đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên. Tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe môtô chưa có bằng lái, lạng lách, đánh võng vẫn còn diễn ra… gây bức xúc trong xã hội và là nguy cơ làm cho tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra. Trước tình hình đó, lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý 442 trường hợp vi phạm Luật Giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước trên 173 triệu đồng; tước 30 giấy phép lái xe; tạm giữ 24 phương tiện (trong đó có 1 ôtô, 14 môtô).
Để công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông đạt hiệu quả cao. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp phải tiếp tục đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc chấp hành pháp luật về ATGT. Từng gia đình, từng khu dân cư phải chăm lo giáo dục con em, nhắc nhở và cam kết bảo đảm trật tự ATGT, góp phần tạo lập văn hóa trong giao thông./.
Theo Báo Sơn La