Tháng 9 hằng năm được lấy làm tháng An toàn giao thông và được giới trẻ Phú Yên tích cực hưởng ứng bằng các hoạt động như diễu hành truyền thông về văn hóa giao thông, hội thi lái xe an toàn, thi tìm hiểu an toàn giao thông bằng hình thức sân khấu hóa vào học đường, tình nguyện đứng gác tại chốt giao thông , khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông…
Đoàn viên thanh niên tuyên truyền văn hóa giao thông trên các đường phố Tuy Hòa
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết công tác Đoàn, Hội trường học mới đây, khi đề cập đến vấn đề “hai không trong tham gia giao thông” trong học sinh, sinh viên (Không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa có giấy phép lái xe và không đi quá hai hàng khi tham gia giao thông), nhiều đại biểu thẳng thắn đề cập đến tình trạng học sinh, sinh viên không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hay các hành vi vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường… Tình trạng không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ vẫn còn xảy ra trong đại bộ phận giới trẻ. Đặc biệt, trật tự an toàn giao thông vào giờ tan học luôn là nỗi lo của các bậc cha mẹ, học sinh, lẫn chính quyền địa phương, dù Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh báo cáo 100% học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên ký cam kết không vi phạm giao thông, 99% đoàn trường trong tỉnh tổ chức đội thanh niên xung kích “Vì mái trường an toàn giao thông”, 100% đoạn đường thanh niên tự quản…
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên, hiện có gần 100% học sinh phổ thông điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe vì chưa đủ tuổi, số người vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý ở độ tuổi 16 - 35 chiếm khoảng 80%. Điều đáng lo ngại là số người vi phạm trật tự an toàn giao thông bị thương, tử vong trong độ tuổi 18 - 30 chiếm tỉ lệ cao, nhiều nhất là các lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, tránh vượt sai quy định, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện chiếm tỷ lệ trên 60%.
Nguyên nhân khách quan có thể là do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, nhưng lý do chính dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt, trên các đường phố ở TP Tuy Hòa hay tại các làng quê thì hình ảnh “mạnh ai, nấy đi”, xe máy tràn lên vỉa hè, chở quá số người quy định hay không đội mũ bảo hiểm như là chuyện “ăn cơm bữa”. Bên cạnh đó, các giải pháp cụ thể để tuyên truyền, răn đe, giáo dục trực quan nhằm hạn chế tình trạng vi phạm an toàn giao thông cho giới trẻ lại chưa được quan tâm và thường chỉ rầm rộ trong tháng An toàn giao thông, những tháng còn lại không được chú trọng. Điều này, dư luận đặt câu hỏi, có hay không tình trạng báo cáo khống?
Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của giới trẻ khi tham gia giao thông, bên cạnh việc xử lý các hành vi vi phạm, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi ứng xử trong văn hóa giao thông ở giới trẻ, gắn liền với xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, mỗi bạn trẻ, đoàn viên thanh niên cần ý thức trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh đẹp trong mắt mọi người mỗi khi tham gia giao thông.
Theo Báo PY