Qua những đợt thăm dò ý kiến, khảo sát tâm lý có thể thấy tàu hỏa là phương tiện an toàn cao nhất trong các phương tiện vận tải. Đạt được như vậy, công tác đảm bảo ATGTĐS có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo dựng "thương hiệu" của ĐSVN, nâng cao sản lượng và doanh thu cho ngành ĐS. Để làm tốt công tác đảm bảo ATGTĐS, vai trò của con người cùng với sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị từ cơ sở, đội trạm, xí nghiệp... cho tới các công ty và Tổng công ty là yếu tố quyết định.
Có thể nhận thấy, sự quan tâm đầu tư của ngành ĐS trong những năm qua đối với công tác đảm bảo ATGTĐS được thể hiện qua nhiều văn bản, chỉ thị: Quy chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đối với công tác ATCT (văn bản 1376/QĐ-ĐS ngày 31-10-2005 của Tổng công ty); Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng kiểm tra, bảo đảm ATGTĐS (văn bản 418 ngày 7-3-2007); Chỉ thị 1041/CT-ĐS ngày 26-5-2008 của Tổng công ty ĐSVN về Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra vận tải, và gần đây nhất là Quyết định 869/QĐ-ĐS ngày 18-6-2009 về Tổ chức hoạt động hệ thống ATGTĐS của Tổng công ty ĐSVN- Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ chức hệ thống ATGTĐS.
Tuy vậy, có một thực tế là công tác đảm bảo ATGTĐS lâu nay vẫn còn không ít bất cập: hệ thống tổ chức ATGTĐS chưa mạnh, cơ cấu chưa hợp lý, chức năng chưa rõ ràng, chỉ đạo thiếu thống nhất... Điều này được thể hiện rõ trong công tác kiểm tra an toàn chạy tàu ở một số đơn vị, xí nghiệp. Bên cạnh đó, trong đội ngũ những người làm công tác an toàn nhiều người lại chưa được đào tạo (hoặc bổ túc) qua trường, lớp nào về công tác an toàn. Họ làm công tác kiểm tra an toàn chạy tàu, an toàn vận tải từ cơ sở lên và đào tạo "tại chỗ" theo kiểu "gia truyền", người trước làm thế nào thì những người sau làm như vậy; và nếu người trước làm sai, làm thiếu thì những người đi sau cũng không biết vì không ai chỉ ra cái sai, cái thiếu...
Để công tác kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm ở hiện trường của cán bộ kiểm tra được hiệu quả, trước hết cần phải thống nhất tên gọi của chức danh chuyên về công tác kiểm tra an toàn chạy tàu (tàu khách, tàu hàng, tổ chức chạy tàu ở ga...). Có thể gọi chung là "Giám sát", vì nó đã được gắn với chức năng kiểm tra, giám sát và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi CBCNV ngành ĐS. Mới đây, theo Quyết định 869/QĐ-ĐS ngày 18-6-2009 của Tổng công ty ĐSVN, từ ngày 1-7-2009, ngành đã chính thức kiện toàn, cơ cấu, hoàn thiện tổ chức hệ thống ATGTĐS. Đây là một mô hình mới với sự phân cấp nhiệm vụ, địa bàn phụ trách, quản lý thống nhất, rõ ràng và hợp lý, tập trung, không dàn trải, không chồng chéo, định biên nhân lực gọn. Tuy nhiên, để đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, đảm bảo ATGTĐS thực sự mạnh về chất lượng và hiệu quả cao trong công tác, cần phải thực hiện một số công việc: rà soát lại chất lượng nghiệp vụ của cán bộ có chức năng làm công tác kiểm tra, công tác đảm bảo ATGTĐS, nếu chất lượng nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, phải có ngay phương án đào tạo, bổ túc nghiệp vụ cho những đối tượng này. Yêu cầu của cán bộ kiểm tra, đảm bảo ATGTĐS phải như người "thầy" ở hiện trường. Tập trung đào tạo, bổ túc chuyên sâu về nghiệp vụ theo đúng ngành nghề đã được học tập, đào tạo (kỹ sư khai thác vận tải phải nắm chắc nghiệp vụ về ga, tàu...), không nên trang bị kiến thức cho cán bộ kiểm tra theo kiểu dàn trải, nhiều nhưng không sâu, "cái gì cũng biết nhưng biết chung chung"... và hậu quả là kiểm tra hời hợt mà không phát hiện được nguy cơ, mầm mống của vi phạm, trở ngại, tai nạn. Để giúp cho công tác kiểm tra, đảm bảo ATGTĐS được thống nhất và hiệu quả, đề nghị ngành nên xây dựng "cẩm nang" cho cán bộ kiểm tra (vận tải, toa xe, cầu đường, ĐM, TTTH...) và "cẩm nang" này phải được thường xuyên cập nhật các văn bản mới, các công văn, công điện, chỉ thị... có liên quan đến các "mảng" của những cán bộ kiểm tra an toàn GTVTĐS. Ngoài trang bị chuyên sâu về nghiệp vụ, kiến thức kiểm tra an toàn, cần trang bị công cụ hỗ trợ cho các đoàn (hoặc cá nhân) làm công tác kiểm tra ATGTĐS máy ảnh, máy ghi âm, vì những hình ảnh, lời nói, lời khai báo, tường trình... chính là những biên bản trung thực và sinh động nhất. Thêm vào đó, nên định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm có các cuộc hội thảo về công tác kiểm tra, công tác đảm bảo ATGTĐS để các bộ phận, đơn vị ngồi lại với nhau cùng rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, điều tra, phân tích; đề xuất những biện pháp hay để cùng nhau học tập, áp dụng...
Theo ĐSOnlie