Thống kê mới đây của Hội sinh viên Việt Nam, 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên khi lái xe máy còn điều khiển sai kỹ thuật và gần 100% học sinh phổ thông điều khiển xe không có giấy phép lái xe vì chưa đủ tuổi. Sự phối hợp lỏng lẻo giữa 3 cấp (gia đình - nhà trường - xã hội) đã “dẫn đường” nhiều em tới những cái chết thương tâm do thiếu ý thức chấp hành giao thông. Trước thực trạng này thì việc xây dựng văn hóa giao thông cho giới trẻ cần thiết phải được nghiêm túc nhìn nhận.
Muốn giảm tai nạn giao thông phải xây dựng được văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ
Theo Phòng CSGT đường bộ (Công an TP. Hồ Chí Minh), các lỗi vi phạm mà thanh niên, học sinh, sinh viên thường mắc phải khi tham gia giao thông như không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, không có mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... Trong số này thì 80 % các vi phạm thuộc về ý thức của người tham gia giao thông.
Thực tế, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tổ chức đua xe không còn là chuyện lạ tại TP. Hồ Chí Minh nhiều năm gần đây. Các địa điểm đua xe thường là các tuyến đường vắng và có nhiều ngõ hẻm nhằm thuận tiện cho “đoàn đua”. Tại khúc đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh (đoạn giao với đường Đinh bộ Lĩnh) gần đây cũng thường xuyên diễn ra tình trạng đua xe. Theo người dân sống quanh khu vực này cho biết: “Cứ khoảng từ tối đến 11h khuya là toàn bộ tuyến đường trở thành đường đua. Các tay đua, chủ yếu là thanh niên, học sinh tụ thành tốp đua nhỏ từ 4 đến khoảng 14, 15 xe phóng ào ào. Điều đáng ngạc nhiên là ngay chân cầu Chu Văn An, điểm được coi là vạch xuất phát của các tay đua cũng là điểm đặt một chốt dân phòng?”.
Thực trạng thiếu ý thức của giới trẻ khi tham gia giao thông có một phần lỗi của các bậc phụ huynh nuông chiều, thêm nữa là giáo dục trong nhà trường thường “giáo khoa, lý thuyết suông nên chưa được sinh viên, học sinh quan tâm chấp hành. Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhấn mạnh: “Phải tuyên truyền và giáo dục bằng những bài học thực tiễn để giới trẻ nắm bắt sinh động, dễ thuộc, dễ nhớ về luật lệ giao thông, từ đó hình thành cách ứng xử văn hóa cho các em khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức pháp luật về giao thông, góp phần giảm bớt số vụ tai nạn giao thông ở độ tuổi thanh, thiếu niên”. Ông Mãi cũng cho biết, nhằm giáo dục thanh niên, sinh viên, học sinh ý thức hơn trong việc tham gia chấp hành luật lệ giao thông, trong tháng 9/2009, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động cuộc vận động “thanh niên với văn hóa giao thông” trên toàn quốc, qua đó góp phần giảm bớt số vụ tai nạn giao thông ở các đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh.
Theo Báo ĐĐK