Cuối tháng 3/2009, lần đầu tiên ở Việt nam đã tổ chức một cuộc Hội thảo cấp quốc gia xung quanh chủ đề về rượu bia liên quan đến tai nạn giao thông. Hơn 300 đại biểu từ Trung ương và 63 tỉnh thành cả nước, các chuyên gia ATGT quốc tế, các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, bệnh viện, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tích cực hoạt động ATGT...cùng trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch hành động và thống nhất các hoạt động ưu tiên, nhằm cải thiện tình trạng uống rượu bia và lái xe ở Việt Nam, Phóng viên Báo GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái – Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở nước ta ngày càng trở nên nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Có phải chăng chúng ta còn thiếu những quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Thái : Có thể nói rằng, quy định pháp luật về nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ nói riêng và các lĩnh vực giao thông khác tương đối đầy đủ và ngày càng chặt chẽ. Luật đường sắt 2005 nghiêm cấm tài xế, Luật đường thủy nội địa năm 2004 cấm người điều khiển phương tiện thủy, Quy chế khai thác tàu bay cũng nghiêm cấm phi công lái máy bay: “khi quá nồng độ cồn trong máu”.
Đối với giao thông đường bộ, uống ruợu, bia có ảnh hưởng rất lớn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông như dễ vi phạm quy tắc giao thông (nhất là vi phạm tốc độ), xử lý tình huống trên đường kém làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, đó là hành vi rất nguy hiểm, vì vậy pháp luật Việt Nam đã đưa quy định hành vi sử dụng rượu bia quá nồng độ vào điều nghiêm cấm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Mức độ quy định về nồng độ cồn trong máu ngày càng chặt chẽ, khắt khe hơn để bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông. Năm 1995, quy định giới hạn về nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe được quy định trong Nghị định số 36/CP của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị: “Nghiêm cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80 mmg/100 mml máu hoặc 40 mmg/1lít khí thở và các chất kích thích khác”. Đến năm 2001, quy định này được đưa vào Luật giao thông đường bộ (Khoản 8, Điều 8), văn bản có tính pháp lý cao hơn.
Do sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 đã kéo theo số lượng ôtô, môtô tăng rất nhanh (ôtô tăng khoảng 10%, môtô tăng khoảng 14% một năm), trong khi vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện còn nhiều, vì vậy Luật giao thông đường bộ 2008 (Khoản 8, Điều 8) quy định về nồng độ cồn nghiêm ngặt hơn: “Nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Hay “nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Các quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2009.
Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ đã 5 lần sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, trong đó quy định về cưỡng chế hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở đối với người điều khiển phương tiện cơ giới luôn được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình trật tự an an toàn giao thông để tăng tính răn đe, giáo dục; quy định xử lý ngày càng nghiêm khắc hơn, thể hiện ở mức xử phạt bằng tiền cao hơn, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn; bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe; bị tạm giữ phương tiện.
Pháp luật cũng quy định nếu người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe gây tai nạn giao thông mà hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 202 của Bộ luật hình sự, trường hợp người lái xe vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ của con người hoặc tài sản trong tình trạng “say rượu hoặc say do dùng chất kích thích khác” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù 3 năm đến 10 năm.
Phóng viên: Mặc dù đã có những chế tài cụ thể nhưng tại sao vẫn không thể hạn chế được tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông?
Ông Nguyễn Trọng Thái :
Có thể nói, việc thực thi quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong thời gian qua chưa tốt Trước hết là do ý thức chấp hành của một bộ phận người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ về quy định nồng độ cồn khi lái xe chưa nghiêm, nhất là nam giới. Nhiều nơi, uống rượu bia đã trở thành thói quen, trở thành tập quán trong sinh hoạt hàng ngày của người dân và được hình thành từ rất lâu, trong khi họ chưa nhận thức đúng đắn về ảnh hưởng của rượu bia đến an toàn giao thông, là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Theo số liệu thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, từ 2004 - 2008 tai nạn do nguyên nhân từ say rượu, bia luôn chiếm từ 6 - 8% tổng số vụ TNGT xảy ra trong toàn quốc.
Mặt khác, công tác tuyên truyền quy địnhnồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới cũng như ảnh hưởng của rượu bia đến tai nạn giao thông chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các chiến dịch lớn tuyên truyền chuyên sâu, rộng rãi, đồng loạt. Công tác cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do lực lượng tuần tra kiểm soát mỏng, trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở còn thiếu, độ ổn định chưa cao, vì vậy số người bị kiểm tra phát hiện vi phạm về nồng độ cồn chưa nhiều, trong khi phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh, nhất là môtô, xe gắn máy (cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu ôtô, 25 triệu môtô). Mặc dù pháp luật quy định về giới hạn nồng độ cồn, chế tài xử phạt tương đối hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn thiếu một số văn bản hướng dẫn, chưa phối hợp các ngành chức năng liên quan để thực hiện hiệu quả.
Phóng viên : Vậy theo ông, để thực hiện Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2009 thì cần có giải pháp gì trước thực trạng người điều khiển phương tiện còn lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông?
Ông Nguyễn Trọng Thái : Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau : Trong đó, tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng với sự tham gia của các cơ quan truyền thông, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp vận tải, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chuyên sâu về “rượu bia và tai nạn giao thông” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền: Quy định mới về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện theo Luật giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008; Chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn trong máu theo Nghị định 146/2007/NĐ-CP; Hướng dẫn cách xử sự chuẩn mực, an toàn khi đã uống rượu, bia (lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, đi bộ hoặc nhờ người khác chở…); Hạn chế sử dụng rượu, bia vì ảnh hưởng tới sức khỏe và ATGT và đặc biệt người dân phải hiểu và hãy nói không với bia, rượu khi tham gia giao thông; ủng hộ lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác cưỡng chế vi phạm.
Chỉnh sửa một số nội dung tài liệu đào tạo lái xe theo quy định mới về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 (sửa đổi).
Phải quan tâm nhiều hơn tới công tác cưỡng chế nhất là việc tổ chức cưỡng chế, đồng thời tăng cường lực lượng, trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Đưa ra xét xử những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn gây tai nạn để răn đe, giáo dục.
Chúng tôi muốn gửi đến người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thông điệp an toàn giao thông:
“Đã uống rượu bia thì không lái xe- đã lái xe thì không uống rượu, bia”
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Đ.T (Thực hiện)