Đó là tâm sự của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh - Đội phó Đội CSTT-PƯN, CAH Gia Lâm về công tác duy trì, xử lý TTATGT trên địa bàn. Có thể nói, từ thời điểm NQ 32/CP có hiệu lực, rồi trong suốt Tháng An toàn giao thông vừa qua, CSTT-PƯN nói riêng là lực lượng chủ công tạo nên con số đáng ghi nhận ở huyện Gia Lâm: Trên 90% người dân tham gia giao thông bằng xe máy đã đội mũ bảo hiểm!
|
CSTT - PƯN CAH Gia Lâm xử lý người vi phạm không đội mũ bảo hiểm |
“Bơi” trong “biển việc”
Cùng với các địa bàn ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, hơn 1 năm qua, huyện Gia Lâm đã được tăng cường CSGT tham gia giải quyết TTGT cùng lực lượng CSTT- PƯN. Vậy nhưng, khối lượng công việc của Đội CSTT- PƯN, CAH Gia Lâm qua phác thảo của Trung tá đội trưởng Nguyễn Hữu Huỳnh vẫn khiến chúng tôi giật mình.
Biên chế đội có 19 CBCS, trong đó 11 người trực tiếp bám đường; ngày chia làm hai tổ tuần tra kiểm soát và thời lượng làm việc thường phải quá rất nhiều “8 giờ vàng ngọc” mới có thể quán xuyến được 3 tuyến đê, hơn 10 tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, 4 tuyến quốc lộ và hàng chục km đường liên thôn, liên xã.
Những trục đường chính ở huyện Gia Lâm thuộc trách nhiệm quản lý của CSGT, song chỉ huy CAH Gia Lâm xác định, lực lượng CSTT- PƯN cũng không được ngoài cuộc. Chỉ riêng việc tuần tra lưu động cũng đủ “lấy” mất của các tổ kiểm tra cả buổi; chưa kể mảng TTĐT ở hai thị trấn Trâu Quỳ, Yên Viên, rồi xử lý thông tin 113 do thành phố và tin do người dân báo đến.
“Trên 90% người dân Gia Lâm chấp hành quy định. Số vi phạm còn lại chủ yếu diễn ra ở những tuyến đường liên thôn, liên xã, do cách nghĩ đơn giản của người dân: Đi trong đường làng không cần đội mũ. Để thay đổi suy nghĩ ấy, ngoài tuyên truyền, chúng tôi phải tổ chức tuần tra hoặc cắm chốt xử lý. Mưa dầm chắc sẽ thấm lâu” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh nói.
Bắt đầu từ việc nhỏ
“Sự phức tạp TTGT ở Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng hiện nay, nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ ý thức kém và thiếu hiểu biết, chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Có nhiều việc phải làm, song chúng tôi muốn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là đội mũ bảo hiểm. Đây là việc không hề nhỏ, bởi hành động tự giác đội mũ bảo hiểm của người dân chính là biểu hiện tích cực của ý thức. Việc nhỏ đã thông thì việc lớn cũng sẽ thuận” - Thượng tá Đặng Văn Vượng, Trưởng CAH Gia Lâm chia sẻ.
Công tác đảm bảo TTGT được chỉ huy CAH quán triệt đến CBCS, phải chú trọng tuyên truyền, và phải “kéo” được các cán bộ đầu ngành vào cuộc. Với 2 chủ công là Đội CSTT- PƯN và CSGT, BCH CAH giao tiến hành rà soát, lên kế hoạch phân chia các thành phần, đối tượng dân cư để từ đó có biện pháp tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ.
Ngoài các chủ trương, văn bản, cán bộ tuyên truyền phải có biện pháp giảng luật sinh động, phong phú, dễ hiểu. Đội CSTT-PƯN, CSGT chịu trách nhiệm lập các tổ công tác đi tuyên truyền về pháp luật giao thông, đặc biệt tập trung xung quanh chiếc mũ bảo hiểm, như sự cần thiết phải đội mũ để giảm thiểu hậu quả tai nạn, thao tác đội mũ chuẩn và lựa chọn tìm mua mũ đúng chất lượng…
Cùng với tuyên truyền, biện pháp xử lý được triển khai quyết liệt. Những tuyến đường nhiều vi phạm đều được chỉ huy CAH tăng cường CSGT phối hợp cùng CSTT-PƯN giải quyết, áp dụng cả tuần tra lưu động và cắm chốt. Lực lượng kiểm tra quán triệt tinh thần: Không nảy sinh cách xử lý xuề xòa, cả nể, nhân nhượng; không đội mũ là vi phạm, và đã vi phạm phải bị xử phạt.
Sau con số “trên 90% người dân đi xe máy đội mũ bảo hiểm”, huyện Gia Lâm đã đạt kết quả “3 giảm” (số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương) về TTGT trong riêng quý III-2008. Đây là minh chứng rõ nét của chủ trương đúng đắn: Bắt đầu và làm tốt từ việc nhỏ, hiệu quả sẽ ở phía trước!
theo annninhthudo.vn