Tai nạn giao thông tăng cao là do ý thức người dân tham gia giao thông kém, không tuân thủ Luật. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì sự hiểu biết chưa cao, hoặc là cố tình vi phạm. Lỗi vi phạm giao thông chưa bị xử lý, ví dụ như lỗi đi xe sai phần đường, hầu như ngày nào cũng vi phạm, nhưng bị phạt thì ít, nhiều khi tắc đường mạnh ai nấy đi, công an làm không xuể, như thế không làm cho ai sợ cả. Hoặc là chỉ bị phạt vượt đèn đỏ khi có CSGT.
Do vậy, ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng tự nhiên không còn, dẫn đến tình trạng “nhờn Luật”. Theo tôi có 2 biện pháp chính: Phạt nặng và liên tục cả ngày và đêm các lỗi vi phạm, không bỏ sót, không miễn trừ một ai. Mọi lỗi vi phạm Luật Giao thông phải được xử lý ngay lập tức, mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ như không đội mũ bảo hiểm, thì phải phạt liên tục, cứ vài trăm mét là có 1 tổ phạt, phạt đến bao giờ có mũ thì thôi. Không thể phạt một lần rồi lại để họ qua chỗ phạt đi tiếp, ngày nào cũng thế liên tục. Cho phép các tổ dân phòng ở địa phương có tuyến đường đi qua tham gia phạt. Ai không muốn phiền hà thì hãy chấp hành Luật cho nghiêm chỉnh. Ai đi xe không bằng lái thì giữ xe luôn 15 ngày.
Qua thời hạn tạm giữ không đến nhận xe thì bán hóa giá, hoặc sung vào công quỹ. Xe thô sơ vi phạm thì cứ tháo van xe ra, không cần phạt. Mục đích của biện pháp này là làm cho người tham gia giao thông phải cảm thấy rất phiền hà và bực mình khi vi phạm Luật Giao thông, dù là lỗi nhỏ nhất. Tuyên truyền Luật Giao thông trực tiếp tại hiện trường, luôn phát băng nhắc nhở mọi người chấp hành Luật Giao thông, nhất là tại các chốt giao thông người dân hay vi phạm. Hiện nay, biện pháp giáo dục pháp luật về ATGT ngay tại chỗ hầu như còn bỏ ngỏ.
Nguyễn Hoàng Hà (Hưng Yên)