Ngày nào cũng vậy, Vitalis Odhiambo đi bộ 10km để đến nơi làm việc, mòn vẹt cả đế dày dọc những con phố đổ nát và lồi lõm ở thủ đô Nairobi của Kenya. Anh đi bộ không phải để tiết kiệm tiền vé xe buýt, hay thậm chí vì môi trường. Anh đi bộ để tiết kiệm thời gian.
![](/YkienATGT/uploads/Image/Tac_duong_o_Nairobi.jpg)
Tắc đường ở Nairobi
“Nếu bạn đã chứng kiến tình trạng ách tắc giao thông ở Nairobi, bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ”, Odhiambo nói và chỉ tay và dòng lũ những chiếc ô tô và xe tải đang chen nhau nhích lên từng centinmét, xả ra những đám khói đen ngòm và cánh lái xe thì thi nhau bóp còi inh ỏi.
Đã từng một thời nổi tiếng với biệt danh “thành phố mặt trời” của Đông Phi, Nairobi giờ đây đã trở thành một thành phố có hệ thống giao thông lộn xộn đến mức chính phủ Kenya ước tính thiệt hại do hệ thống tồi tệ này gây ra lên tới 460 triệu USD. Tắc nghẽn giao thông đang đe dọa kinh tế, xua đuổi các nhà đầu tư và cản trở thành phố này trở thành thủ đô châu Phi cấp quốc tế.
Một số nhà kinh doanh hàng đầu thậm chí còn yêu cầu chính phủ rời thủ đô đến đâu đó, chỉ để bảo tồn và “thanh toán” ít nhất một phần tình trạng giao thông gây bực mình ở Nairobi. “Vấn đề này sẽ bế tắc trong cả thập kỷ nữa”, Mutula Kilonzo, Bộ trưởng Bộ Thủ đô Nairobi, nói. Bộ này mới được thành lập hồi đầu năm chỉ để giải quyết tình trạng giao thông và vấn đề cơ sở hạ tầng của Nairobi.
Những thành phố lớn ở khắp châu Phi dường như đều chịu tình trạng tắc nghẽn khó chịu này mà nguyên nhân chủ yếu là không nâng cấp kịp thời hệ thống đường bộ đã được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Như thủ đô Lagos của Nigeria, được xây dựng từ những năm 1950 để phục vụ cho khoảng 60.000 người nhưng đến nay số dân trong thành phố đã là 14 triệu.
ở Nairobi, dân số đã lên đến 4,7 triệu USD, tăng so với 350.000 người khi giành độc lập năm 1963. Số xe ô tô riêng ở Kenya đã tăng đến gần 935.000, trong đó hơn một nửa là ở Nairobi.
Tình trạng này “phối hợp nhịp nhàng” với thái độ tham gia giao thông ẩu, xe chở quá tải và cảnh sát giao thông tích cực “làm tiền” càng khiến tình hình tồi tệ hơn, biến một trong những thành phố lớn nhất châu Phi này trở thành một biển xe tắc nghẽn và chìm trong khói bụi.
Odhiambo mất một tiếng rưỡi mỗi sáng để đến công sở. Nhưng nếu lái xe, anh sẽ mất ít nhất hai tiếng 15 phút “nếu hôm đó đẹp ngày”. Không có tàu điện ngầm hay tàu cao tốc để giảm bớt tình trạng ùn tắc, không có làn đường giành riêng cho xe buýt để giúp người lao động đến kịp giờ làm. Đường nói chung chỉ có hai làn và những bác tài nóng vội thường xếp hàng thành bốn làn xe khắp các tuyến đường chật hẹp. Những tay lái ẩu thậm chí còn phi xe và luồn lách khi có thể, bất chấp luật lệ, để đến được điểm cần đến khi cần kịp giờ.
Những bác tài lái minibus, phương tiện giao thông công cộng chính ở Nairobi thì nổi tiếng vì thường coi luật giao thông không ra gì. Họ thường đi lấn làn đường để vượt xe đi trước, phóng qua cả đèn đỏ và bấm còi inh ỏi khi cần. Va chạm chết người là chuyện thường tình. David Karuru, một lái xe buýt 36 tuổi tâm sự nếu tuân thủ luật giao thông anh sẽ không bao giờ đến điểm dừng đúng giờ.
Hình phạt cho những hàng vi coi thường giao thông này thường chỉ là sự giận dữ của các lái xe khác. Cảnh sát đã quá quen với các hung thần trên đường phố. Những khoản tiền phạt nho nhỏ thậm chí cũng được lờ đi nếu chủ xe kịp thời “bôi trơn” dùi cui của họ.
Nairobi không phải là thành phố duy nhất của Kenya khốn khổ về tình trạng giao thông đường bộ. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông năm nay được đặt vào một trong những danh mục ưu tiên đầu tư hàng đầu của nước này. Nhưng chiến lược đầu tư còn phải phụ thuộc vào hai nhân tố chính: có đủ tiền từ chính phủ hoặc các nguồn tài trợ quốc tế và thuyết phục khu vực tư nhân góp vốn. Bộ Nairobi cần tới 111 triệu USD mỗi năm trong vòng 4 năm tới - một con số quá xa vời so với 44 triệu USD “ưu tiên” dành cho ngân sách của bộ này trong năm nay.
Nguyễn Viết (Theo báo Mỹ)