Văn hóa đi đường thời kẹt xe

Thứ ba, 08/04/2008 00:00 GMT+7
Chỉ một cú va quẹt nhẹ nhưng hai người đàn ông vội vứt xe, lao vào đánh nhau. Nhiều người hiếu kỳ nhanh chóng quây quanh, giao thông bị ùn ứ, bất kể tiếng còi hú dồn dập của chiếc xe cấp cứu.

Chiều 3/4, trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TP HCM vào giờ cao điểm đông nghẹt. Hai xe máy do một thanh niên và một người đàn ông khoảng 50 tuổi đều cố lách qua để vượt lên, vô tình đụng nhẹ nhau. Cả hai "con ngựa sắt" không sứt mẻ gì, nhưng ai cũng cho là mình đúng nên đã "văng" ra nhiều lời thóa mạ. Cuối cùng, cả hai xông thẳng vào đánh nhau, biến khu vực đường thành một "võ đài" so tài cao thấp.

Những người đi đường hiếu kỳ rất nhanh chóng dừng xe, quây xung quanh đứng xem. Một "khán giả" trong số đó đã có những lời khích, "châm dầu vào lửa" làm cuộc xung đột quyết liệt hơn. Chứng kiến cảnh này, một người nước ngoài đi ngang thốt lên câu tiếng Việt "Chuyện gì thế!", rồi lắc đầu ngao ngán, bước đi.

Va quẹt nhỏ, không bỏ qua, hai người đàn ông trong ảnh đã đánh nhau, gây kẹt đường, chiều 3/4. Ảnh: An Nhơn

Phía trước chừng 100m cùng thời điểm trên, một chiếc xe taxi Mai Linh đụng vào đuôi xe buýt chạy tuyến Bến Thành - An Sương, khi qua đèn đỏ. Taxi bị móp nhẹ ở đầu và tài xế Trần Bá Hiệp (32 tuổi) lập tức xuống xe, yêu cầu tài xế xe buýt bồi thường, nếu không gọi Cảnh sát giao thông đến giải quyết. Hai chiếc 4 bánh nằm chắn ngang đường, mặc kệ đèn xanh, rồi đèn đỏ liên tục và dòng xe cộ đang dần tắc nghẽn.

Bức xúc, một người đàn ông đi đường, cố ghé sát lại nói với cùng tài xế: "Nếu chuyện nhỏ hai anh có thể cho xe chạy vào lề giải quyết đi. Đậu như thế này làm kẹt xe, ảnh hưởng người phía sau". Nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên, mặc sức những tiếng rồ ga, bấm còi inh ỏi, của dòng xe đang cố lách qua.

"Nhiều vụ va quẹt rất nhỏ, đáng lý ra người dân có thể tự giải quyết để đi và tránh ùn tắc nhưng họ vẫn gọi Cảnh sát giao thông đến giải quyết, gây thêm kẹt xe. Nếu biết nhường nhịn nhau một chút thì đâu để bị phạt", anh Tâm tài xế xe ôm chứng kiến, nói.

Trong một lần khác, khi mọi người đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, quận 1, bất chợt, một người đàn ông trung tuổi len lỏi vào lề, ủi xe vào chiếc Wave của cô gái phía trước. Rồi ông bấm còi inh ỏi, ngỏ ý muốn cô tránh đường cho rẽ phải. Khi không thấy cô gái "động tĩnh" gì, ông ta leo lên lề và lập tức quay sang nhổ thẳng nước bọt vào người cô gái trong sự "thất kinh" của nhiều người đi đường.

Câu chuyện về văn hóa giao thông cũng biểu hiện rõ trong lần xảy ra kẹt xe vào chiều ngày 2/4, trên đường Nguyễn Thị Định, đoạn khu vực qua cầu Giồng Ông Tố (quận 2). Đường hẹp, gần ngã ba, ai cũng muốn tranh thủ về sớm nên đã lấn tuyến, biến đường hai chiều thành một chiều nên cuối cùng tất cả đều phải nhích từng bước một trong hơn một tiếng đồng hồ. Trong không khí ngột ngạt, mùi khói khét lẹt, một phụ nữ cố gắng rẽ trái, kéo vành khẩu trang đeo trên miệng, nói: "Mấy anh nhường đường giúp, vì nhà ở sát đây thôi". Vừa dứt lời, một người đàn ông nhấn ga, ngán đầu xe chị và đáp: "Nhà tôi ở cạnh nhà chị đấy, chị nhường tôi trước đi"...

Ở các ngã tư có mật độ giao thông nhiều như Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng... vì thời gian dừng đèn đỏ dài, ngó trước ngó sau, không thấy có mặt Cảnh sát giao thông, người đi xe ngang nhiên tràn lên để vượt qua. "Tôi thấy người dân mình nhiều người ít tuân thủ luật. Đèn đỏ rồi vẫn cố phóng qua nên khi chiều xe ngược lại ào lên, việc ùn tắc lại xảy ra...", chị Nguyễn Thị Duyên, quán cà phê vỉa hè trên đường Võ Văn Tần, Trương Định (quận 3) nói.

Hoặc mỗi khi xảy ra tai nạn, hay bất kể sự cố gì, nhiều người đi đường tò mò dừng xe, ghé mắt xem nên đoạn đường lại trở nên tắc nghẽn nghiêm trọng. Mới đây, một xe tải hai tấn đang lưu thông bất ngờ mất phanh, lao thẳng vào dòng xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), làm 5 người bị thương đi cấp cứu. Khi tai nạn xảy ra, người đi qua đều dừng lại, vây kín cả khu vực, làm xe cộ tắc nghẽn trong nhiều giờ.

Hay trên những cầu bộ hành ở TP HCM, cỏ mọc đầy lối đi, còn phía dưới thì người đi bộ liên tục "nhảy" dải phân cách để qua đường, làm cho dòng xe đang lưu thông phải né tránh.

Không ai nhường ai khi đèn giao thông bị tê liệt, đường kẹt xe, anh phụ xe này phải xuống phân luồng, giải tỏa. Ảnh: An Nhơn.

"Tôi sợ nhất là trực ca những giờ xe cao điểm. Bởi nếu xảy ra tai nạn, đội Cảnh sát giao thông mệt hơn khi vừa xử lý tai nạn vừa phân luồng giao thông", anh Hoàng, đội xử lý tai nạn Bình Thạnh cho biết.

Còn Cảnh sát giao thông Nguyễn Thanh Tùng, trực chốt tại Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, tâm sự: "Đa phần những lỗi khi chúng tôi thổi còi xử phạt là vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều lên vỉa hè, dừng không đúng làn vôi quy định... Chỉ cần dân mình có ý thức hơn một chút thì những người làm luật trên đường phố có lẽ sẽ rảnh việc".

An Nhơn- VnExpress

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)