Mưa lũ làm sạt lở tại Km201+800 quốc lộ 4H,
thuộc địa phận bản Ma Ú, xã Mù Cả, huyện Mường Tè sáng 9/6. Ảnh minh họa: TTXVN
Sở Giao thông vận tải tỉnh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh Lai Châu giao quản lý, bảo trì hơn 500km đường giao thông trên 7 tuyến quốc lộ; trên 1.200 km đường địa phương (trong đó có 10 tuyến đường tỉnh và 6 tuyến đường huyện) và gần 3.500 km đường liên xã, liên thôn.
Mùa mưa lũ năm 2021, Lai Châu xuất hiện 1.600 vị trí sạt lở trên các tuyến đường, gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Đặc biệt từ đầu mùa mưa năm nay đến ngày 31/5, mưa lũ đã gây sạt lở, hư hỏng các hạng mục công trình giao thông gần 500 vị trí, thiệt hại gần 22 tỷ đồng.
Xác định mưa lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới các công trình giao thông cũng như sự an toàn của người dân, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều phương án ứng phó trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu cho hay, để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án xử lý điểm ngập úng, không đảm bảo khả năng thoát nước trên các tuyến đường như Quốc lộ 12 địa phận xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Quốc lộ 4D khu vực thành phố Lai Châu.
Mặt khác, Sở chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng, thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng công trình giao thông trên các tuyến đường, kịp thời khắc phục hư hỏng, đảm bảo an toàn. Sở yêu cầu nhà thầu kiểm tra toàn bộ công trình thoát nước, tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh, đặc biệt tại khu vực đông dân cư và thanh thải hạ lưu cầu; chỉ đạo Ban quản lý bảo trì công trình đường bộ đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục sửa chữa định kỳ, sửa chữa điểm đen đảm bảo ổn định các công trình trong mùa mưa lũ.
Đến nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp, ngành, địa phương mình. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, Lai Châu phấn đấu giao thông đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tuần đường, anh Lò Văn Thu, công nhân Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I tỉnh Lai Châu gần như đã quen thuộc các cung đường đơn vị phụ trách với 35 km đường tuyến Quốc lộ 12.
Anh Lò Văn Thu chia sẻ, công việc của anh thường bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc vào 18 giờ, với hành trình di chuyển dọc tuyến. Vào mùa mưa, công việc tuần đường thực hiện thường xuyên hơn, không kể ngày hay đêm. Khi phát hiện điểm sạt lở hoặc nguy cơ cao xảy ra sạt lở, việc đầu tiên của anh là cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông biết để tránh; đồng thời, báo cáo về đơn vị triển khai phương án khắc phục kịp thời.
Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I tỉnh Lai Châu hiện đang quản lý, bảo trì gần 500km đường quốc lộ và tỉnh lộ tại các huyện Mường Tè, Phong Thổ và Sìn Hồ. Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ năm nay, đơn vị hoàn tất việc rà soát toàn bộ điểm nguy cơ sạt lở cao và điều 30 đầu máy xúc ứng trực dọc các tuyến. Bên cạnh đó, các nguyên vật liệu như rọ thép, ống cống, nhựa đường, đá hộc...được tập kết tại điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao để kịp thời khắc phục khi có sạt lở xảy ra.
Theo ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý đường bộ I tỉnh Lai Châu, hiện nay, Thông tư của Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ đang có những bất cập như: Khi bão lũ xảy ra, đối với đường quốc lộ là phải chờ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố tình huống khẩn cấp, với đường địa phương phải chờ Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp, sau đó đơn vị mới được thực hiện hót thông xe. Điều này không đảm bảo được tính cấp thiết trong phòng, chống lụt bão. Ông Hoàng Tiến Quý kiến nghị các cấp, ngành có cơ chế phù hợp để đơn vị thực hiện được tốt hơn.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý, khi có sạt lở xảy ra, đơn vị kịp thời chỉ đạo nhà thầu hót dọn, thanh thải đất đá trên nền, mặt đường, đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất, không có sự cố ách tắc kéo dài. Đối với các vị trí sạt lở taluy âm, nền đường hẹp, đơn vị nhà thầu đã rào chắn, cảnh báo để đảm bảo cho phương tiện tham gia giao thông thuận lợi, an toàn.
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị nhà thầu tăng cường công tác tuần đường, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố xảy ra. Mặt khác, các đơn vị nhà thầu chuẩn bị tốt điều kiện như nhân lực, máy móc, thiết bị, vật liệu, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, tạo điều kiện cho người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi.