Theo Phòng CSGT (CA tỉnh Bình Định), trên các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh có 66 đường ngang giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ. Trong đó, có 23 điểm giao cắt có người gác; 43 điểm được đầu tư trang bị hệ thống còi, đèn, thanh chắn cảnh báo tự động. Ngoài ra, còn có 124 lối đi đường bộ giao cắt với đường sắt người dân tự mở trái phép. Các lối đi này hầu hết đã được cơ quan chức năng rào, chắn đúng quy định, gắn biển báo “chú ý tàu hỏa”.
Tuy vậy, thời gian qua vẫn còn tình trạng người dân lén lút tháo dỡ rào chắn để phương tiện cơ giới qua lại hằng ngày, nhưng việc kiểm soát, xử lý của chính quyền địa phương một số nơi khá lỏng lẻo. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường sắt chưa cao, còn tình trạng chủ quan khi qua lại các điểm giao cắt. Tình trạng chăn thả gia súc trên đường sắt vẫn còn diễn ra. Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến mất an toàn chạy tàu, là nguyên nhân trực tiếp phát sinh TNGT đường sắt.
Lực lượng CSGT CA tỉnh Bình Định kiểm tra tình trạng vi phạm
hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn huyện Phù Mỹ
Theo thống kê của Phòng CSGT (CA tỉnh), từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, làm chết 4 người; so với cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn bằng nhưng tăng 1 người chết. Phần lớn các vụtai nạn đều tập trung tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh và các lối đi tự mở.
Mới đây nhất, vào khoảng 10 giờ30 phút ngày 8/11, tại điểm giao cắt giữa tuyến đường sắt Bắc - Nam với đường ngang dân sinh thuộc thôn Kiều An (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đã xảy ra TNGT đường sắt nghiêm trọng làm chết 2 người. Tàu mang số hiệu D20E- 006 do lái tàu Nguyễn Huy Hoàng (SN 1985, ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) điều khiển chạy theo hướng Nam - Bắc đã va chạm với mô tô do chị N.T.T (SN 1991, ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) điều khiển, chở theo con ruột là N.N.K.A (SN 2018). Hậu quả làm chị N.T.T tử vong tại chỗ, cháu N.N.K.A tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo Trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT (CA tỉnh Bình Định), qua phân tích các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân khi tham gia giao thông, thiếu chú ý quan sát khi đi qua các điểm giao cắt. Thậm chí có tình trạng cố tình vượt đường sắt khi hệ thống đã cảnh báo có tàu hỏa đến gần.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, Ban sẽ tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt cho nhân dân, đặc biệt làcác quy tắc khi tham gia giao thông qua các đường ngang giao cắt với đường sắt. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vịliên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tự ý mở các tuyến đường ngang dân sinh, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông vượt đường sắt khi có hệ thống cảnh báo, cần chắn, đèn, còi đã hoạt động.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh yêu cầu Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình và Công ty CP Đường sắt Phú Khánh (2 DN quản lý, khai thác tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh) thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tự ý mở đường ngang dân sinh qua đường sắt, tháo dỡ các rào chắn thu hẹp tại các lối đi dân sinh để phương tiện cơ giới qua lại. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo hoạt động tốt, an toàn của hệ thống hạ tầng đường sắt như chuông, đèn báo, cần chắn tự động... tại các đường ngang phòng vệ có gác và đường ngang cảnh báo tự động...