Quảng Ninh: Xây dựng văn hoá giao thông: Khó hay dễ?

Thứ năm, 23/06/2011 00:00 GMT+7
Lâu nay người ta thường chỉ bàn đến việc làm thế nào để xây dựng các công trình giao thông thật hiện đại để nhằm giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) hoặc xử lý các tình trạng vi phạm ATGT... chứ ít ai để ý đến việc xây dựng môi trường văn hoá giao thông khi tham gia giao thông trên đường.
Lâu nay người ta thường chỉ bàn đến việc làm thế nào để xây dựng các công trình giao thông thật hiện đại để nhằm giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) hoặc xử lý các tình trạng vi phạm ATGT... chứ ít ai để ý đến việc xây dựng môi trường văn hoá giao thông khi tham gia giao thông trên đường.
Trong thời gian gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về việc chỉ vì một va chạm rất nhỏ khi tham gia giao thông trên đường mà xảy ra án mạng...

Ai cũng biết giao thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự phát triển bền vững; đồng thời cũng là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một địa phương trên đà phát triển. Trong những năm qua, tỉnh đã có rất nhiều sự thay đổi về các công trình giao thông nhờ sự đầu tư một cách đầy đủ, bài bản. Tuy vậy, cùng với sự xuất hiện của những cung đường chất lượng cao và những cây cầu ngày càng dài, đẹp thuận lợi cho việc thông thương giao lưu buôn bán thì tình trạng tai nạn giao thông lại có diễn biến phức tạp hơn. Để xảy ra tình trạng đó, bên cạnh những yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan như: Không chấp hành các tín hiệu, biển báo, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông… luôn chiếm số nhiều và đây chính là sự thể hiện nhận thức kém khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông.

TP Hạ Long là một trong những địa phương có “chỉ số” về văn hoá giao thông nằm ở “top” đáng báo động. Tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ hoặc xe máy chở 3, 4 phóng nhanh vượt ẩu vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào giờ cao điểm, khiến cho người dân tham gia giao thông nhiều phen phải thót tim. Không những thế tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng là “chuyện thường ngày ở huyện” tại TP Hạ Long. Mặc dù trong thời gian qua các cơ quan, ban, ngành, đã vào cuộc khá quyết liệt, nhưng xem ra tình trạng này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Nếu như ở các khu đô thị văn hoá giao thông vẫn đang bị phê bình là “còn xem nhẹ” thì ở khu nông thôn, hoặc vùng cao, nó dường như không... được biết đến!
Xây dựng văn hoá giao thông là một vấn đề cấp bách, mang tính xã hội rộng lớn; nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của tất cả chúng ta mà còn thể hiện một hành vi văn hoá. Hay nói cách khác, văn hoá giao thông chính là nền tảng góp phần thúc đẩy xã hội nhanh chóng đi đến văn minh, hạnh phúc và là tiền đề để bảo vệ tài sản, tính mạng của chính mình. Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, cùng một hệ thống giao thông đang ngày càng hoàn thiện, chúng ta còn có Vịnh Hạ Long, hàng năm thu hút rất nhiều khách quốc tế tới tham quan, nghỉ dưỡng thì văn hoá giao thông cũng là điều cần phải bàn đến ngay từ bây giờ.
Luật ATGT có thể được hoàn thiện, thay đổi hàng ngày, các “điểm đen” trên các cung đường giao thông sẽ được khắc phục để giảm thiểu tai nạn, hướng tới chấm dứt tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng văn hoá giao thông chỉ được hình thành nếu mỗi chúng ta tự giác xoá đi “điểm đen” trong suy nghĩ, ý thức và tư duy của từng tập thể, cá nhân để hoà cùng các thành viên xã hội tạo nên nền nếp giao thông trật tự, an toàn, thân thiện và văn minh. Tuyên truyền, vận động để mọi người có ý thức tự giác là hết sức cần thiết, nhưng xây dựng một nếp văn hoá giao thông thời hiện đại hoá sẽ không thể được hình thành nếu chỉ dựa vào sự tuyên truyền vận động, mà rất cần có sự vào cuộc của chính những người tham gia giao thông.
Trungna (theo baoquangninh)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)