“Văn hóa giao thông”: Vẫn chỉ là tuyên truyền

Thứ tư, 16/09/2009 00:00 GMT+7
Tháng An toàn giao thông năm nay với mục tiêu xây dựng “Văn hóa giao thông” cho người dân đã đi qua một nửa thời gian. Bên cạnh những điều đã làm được trong công tác tổ chức sắp xếp lại giao thông nhưng vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Hiện nay, trong một bộ phận không nhỏ người dân thì “Văn hóa giao thông”
Tháng An toàn giao thông năm nay với mục tiêu xây dựng “Văn hóa giao thông” cho người dân đã đi qua một nửa thời gian. Bên cạnh những điều đã làm được trong công tác tổ chức sắp xếp lại giao thông nhưng vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Hiện nay, trong một bộ phận không nhỏ người dân thì “Văn hóa giao thông” vẫn chưa ở trong đầu theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng.

Không đội mũ bảo hiểm cho con, những hình ảnh này không thiếu trên đường phố


Những tấm “gương mờ”

Quy định đội mũ bảo hiểm đã có từ 2 năm trước và chế tài xử lý cũng đã được áp dụng xử phạt từ thấp đến cao để giáo dục răn đe. Đã từng đi cùng với rất nhiều tổ công tác kiểm tra xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CATP và một điểm chung mà nhóm PV Báo ANTĐ ghi nhận được đó là sự coi thường pháp luật, trốn tránh kiểm tra của hầu hết những trường hợp vi phạm.

“Có rất nhiều trường hợp khi đi xe máy vi phạm không đội mũ bảo hiểm mà CSGT phát hiện yêu cầu dừng xe để kiểm tra đã cố tình chống đối bằng cách lách ra giữa đường, phóng bạt mạng len lỏi giữa dòng phương tiện và thậm chí chống lại người thi hành công vụ” - Trung tá Trần Ngọc Ánh - Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết.

Những tháng vừa qua, theo thống kê của Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho thấy, có gần 30 trường hợp chống lại người thi hành công vụ trong số đó có nhiều trường hợp người dân không đội mũ bảo hiểm. Tính trung bình mỗi ngày lực lượng CSGT trên toàn thành phố tiến hành xử lý trên dưới 1.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Điều đáng nói trong tổng số vụ vi phạm về mũ bảo hiểm luôn chiếm quá bán. Trong tháng 8 vừa qua, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã xử lý 13.053 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm. Chỉ tính trong 15 ngày đầu “Tháng An toàn giao thông”, hơn 5.940 trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm cũng đã bị xử lý.

Tại nhiều cổng trường học, có thể bắt gặp rất nhiều những hình ảnh học sinh đi xe máy đến trường, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển môtô xe máy. Học sinh sinh viên vi phạm Luật Giao thông  đường bộ đã đáng trách nhưng khi chứng kiến những bậc phụ huynh đi môtô xe máy đến đón con em mình mà trên đầu cũng không hề đội mũ bảo hiểm cũng như mang mũ bảo hiểm cho con thì sự đáng trách còn gấp nhiều lần.

Hãy khoan nói đến việc họ cố tình không chấp hành quy định của pháp luật mà hãy nói đến sự thờ ơ đến vô cảm trước an toàn tính mạng của chính bản thân họ và con em mình. “Nếu như cha mẹ không gương mẫu chấp hành Luật Giao thông thì không thể hướng dẫn, dạy dỗ chỉ bảo con cái chấp hành Luật Giao thông. Việc xử lý những vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm của học sinh, sinh viên đã được lực lượng CSGT làm kiên quyết nhưng nếu không có sự giáo dục và đồng thuận của phụ huynh học sinh thì rất khó có thể giải quyết triệt để được các vi phạm.

Nhiều vị phụ huynh khi con em mình chưa đủ tuổi đi xe máy nhưng vẫn cho con đi xe đến trường, điều này không những là một hành động “tiếp tay” cho vi phạm mà còn đẩy những học sinh này đến với những nguy hiểm về TNGT” - Trung tá Nguyễn Văn Tòng-Đại diện Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt nêu ý kiến.


“Xây” văn hóa giao thông từ hành động nhỏ

“Văn hóa giao thông thoạt nghe có vẻ là một điều gì to tát nhưng thực ra bất cứ ai cũng có thể làm được nếu như họ có ý thức hơn trong những hành động tưởng chừng rất nhỏ. Những hành động như dừng phương tiện khi có đèn đỏ, không phóng nhanh vượt ẩu, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy... góp phần rất lớn trong việc đảm bảo TTATGT, tạo nên một hình ảnh mới về giao thông cho Thủ đô” - đại diện Phòng CSGT đường bộ-đường sắt nhấn mạnh. Để làm được điều đó thì theo đại diện của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt là cần phải có một quá trình.

Tại cuộc họp sơ kết đánh giá công tác tháng 8 và triển khai công tác tháng 9 được Ban Chỉ đạo 197 thành phố tổ chức đầu tháng vừa qua, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo 197 thành phố đã cảnh báo các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn trong đó có CSGT, Thanh tra GTVT cần gấp rút tiến hành nhiều biện pháp đảm bảo TTATGT, giảm thiểu ùn tắc cũng như TNGT trong tháng 9 so với tháng 8 và những tháng tiếp theo của năm.

Các giải pháp như xử lý hoặc tiến hành phân luồng giao thông hiện nay cũng chỉ mang tính tạm thời. Điều quan trọng là một sự quy hoạch tổng thể về hệ thống giao thông cho Thủ đô song song với công tác tuyên truyền cũng như mỗi người dân phải có ý thức khi tham gia giao thông. Để thực hiện thành công mục tiêu trên thì không thể trong một “Tháng An toàn giao thông” làm được ngay mà cần phải tiến hành thường xuyên, quyết liệt và khoa học. 

 

Theo Báo ANTD

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)