Tháng 9 hàng năm đã được chọn là tháng An toàn giao thông (ATGT). Tháng ATGT năm nay có chủ đề là “Tháng văn hóa giao thông”. Theo hướng dẫn của Ủy ban ATGT Quốc gia, văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội và coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, là biểu hiện văn minh của mọi người khi tham gia giao thông.
Biểu hiện rõ nhất của văn hóa giao thông là sự tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường phố. Thực tế cho thấy đã có tình trạng từ việc va quẹt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng thời gian qua là một dấu hiệu đáng báo động về “văn hóa giao thông”. Đơn cử, chiều 21-9-2008, T.B.M, cán bộ một cơ quan nhà nước ở TP Cần Thơ đã đánh chết người chỉ vì một vụ va quẹt xe, gây cự cãi ... Những người dân chứng kiến sự việc đều cho rằng, dù nạn nhân gây sự với M. trước, nhưng không thể vì xích mích nhỏ mà hành hung để rồi gây ra chết một mạng người. Nếu T.B.M bình tĩnh, nhờ công an giải quyết vụ va quẹt, thì có lẽ anh ta không phải vào vòng lao lý vì lối hành xử thô bạo trước ngày cưới của mình. Mới đây, vào ngày 18-3-2009, tại cầu Rạch Ngỗng - quận Ninh Kiều, một vụ va quẹt xảy ra giữa một người điều khiển xe gắn máy và xe đạp dẫn đến hai bên cự cãi và người đi xe đạp đã rút dao đâm chết người điều khiển xe gắn máy. Gần đây, báo chí đồng loạt phản ánh trường hợp ông Nguyễn Ngọc Quý, cán bộ văn phòng UBND phường Ngọc Khánh (Hà Nội) vào tối 7-8-2009, sau khi đi vào đường ngược chiều đã va chạm giao thông với anh Nguyễn Ngọc Hưng (ngụ ở khu tập thể Thành Công) - điều khiển xe chở 2 con. Sau khi cự cãi, ông Quý đã rút điện thoại di động gọi 10 thanh niên khác đến dùng vỏ chai bia, ghế sắt, gậy gộc hành hung ba bố con anh Hưng. Thậm chí khi nạn nhân và các con chạy vào sân trụ sở Công an gần đó để được bảo vệ, thì những kẻ hành hung vẫn tiếp tục đuổi theo tấn công. Những vụ việc nêu trên dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, cũng cho thấy có sự xuống cấp về ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự giao thông nói riêng, đi ngược lại với truyền thống, đạo lý của người Việt Nam.
Ngoài những vụ việc về ứng xử trong giao thông như trên gây hậu quả nghiêm trọng, còn có những kiểu thiếu văn hóa khác cũng cần được chấn chỉnh. Đó là chuyện người điều khiển xe gắn máy khạc nhổ giữa đường, khi đang điều khiển phương tiện. Anh H.N.M.T (công tác tại Công ty Xây dựng H.T.T chi nhánh Cần Thơ), bức xúc cho biết chiều 5-9-2009, khi chạy xe trên đường 30 Tháng 4, đoạn gần giao lộ 30 Tháng 4 - Trần Khánh Dư, anh đã lãnh nguyên bãi nước bọt vào người do một người đàn ông điều khiển chiếc xe Dream chạy phía trước khạc ra. “Trông ông ta ăn mặc bảnh bao, lại chở theo một bé trai độ 6-7 tuổi trên xe, mà lại có hành vi thiếu văn hóa đến cỡ đó. Thiệt là làm gương xấu cho con trẻ” - anh T. bức xúc. Không chỉ chuyện khạc nhổ bừa bãi, mà trên đường phố từng có tình trạng người điều khiển xe ở trần, mặc quần xà lỏn... Còn chuyện chạy xe dàn hàng 3, hàng 4, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, nghe và gọi điện thoại, không đội nón bảo hiểm khi điều khiển phương tiện ... vẫn còn nhan nhản trên đường. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm túc chấp hành quy định TTATGT. Bên cạnh đó, một thực tế là trong công tác xử lý vi phạm, lực lượng chức năng còn bỏ sót, chưa mạnh tay xử lý những trường hợp điều khiển xe đạp vi phạm khi tham gia giao thông như: chạy xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy hàng 3, hàng 4, chạy trên vỉa hè... của không ít học sinh - sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước. Và điều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa những người tham gia giao thông, trong khi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Tháng ATGT với mục đích tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa giao thông, thiết nghĩ, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp cần kêu gọi mỗi cán bộ, nhân viên, đoàn viên, hội viên, các hộ dân gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông, mà cụ thể có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông; không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Và khi mọi người ý thức được, chấp hành nghiêm túc thì qua đó sẽ chung tay góp sức tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành luật giao thông vì hạnh phúc của bản thân và cả cộng đồng.
Việc xây dựng trật tự, nề nếp giao thông được bắt đầu bằng lối hành xử có văn hóa khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân.
Theo Báo CT