Báo Bà Rịa-Vũng Tàu: Làm việc nhỏ để có việc lớn

Thứ tư, 16/09/2009 00:00 GMT+7
Giờ đây, với nhiều người, khi ngồi trên xe máy sẽ cảm thấy thiêu thiếu, bất an nếu chẳng may để quên chiếc mũ bảo hiểm ở nhà. Chiếc mũ bảo hiểm từng được gọi là “nồi cơm điện”, là nỗi khổ với nhiều người, nay đã trở thành vật bất ly thân khi đi xe máy. Đội mũ bảo hiểm đã trở thành một thói quen và là một thói quen tốt, hữu ích với bản thân, với mọi người. Đó là một thói quen có văn hóa.
Giờ đây, với nhiều người, khi ngồi trên xe máy sẽ cảm thấy thiêu thiếu, bất an nếu chẳng may để quên chiếc mũ bảo hiểm ở nhà. Chiếc mũ bảo hiểm từng được gọi là “nồi cơm điện”, là nỗi khổ với nhiều người, nay đã trở thành vật bất ly thân khi đi xe máy. Đội mũ bảo hiểm đã trở thành một thói quen và là một thói quen tốt, hữu ích với bản thân, với mọi người. Đó là một thói quen có văn hóa.
Văn hóa giao thông là một chuẩn mực về cái thiện, cái đẹp. Văn hóa giao thông không chỉ đơn thuần là việc hiểu biết và tôn trọng pháp luật giao thông mà còn là cách ứng xử giữa những con người với con người trong xã hội. Nói nghe ra có vẻ trừu tượng và xa xôi nhưng thực tế lại được biểu hiện rất gần gũi như chuyện về chiếc mũ bảo hiểm nêu ra ở trên. Đi ra đường gặp đèn đỏ dừng xe, đèn vàng giảm tốc. Ngồi trên xe bus, đàn ông nhường chỗ cho phụ nữ, người trẻ nhường chỗ cho người già… đó là những biểu hiện rất cụ thể của văn hóa giao thông. Những điều mà ai cũng có thể thực hiện. Thế nhưng, đáng tiếc là ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn còn người vi phạm, thậm chí có người còn cố tình vi phạm.
Cách đây không lâu, ở Hà Nội, một người lái xe tải đã chủ ý đâm thẳng vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Người cảnh sát kịp bám vào cần gạt nước xe. Dù vậy, tài xế xe tải vẫn tiếp tục cho xe chạy với tốc độ cao, lạng lách để gạt người cảnh sát xuống đường. May mắn là người cảnh sát đã rơi xuống vệ cỏ. Hành động của người lái xe tải không chỉ là chống người thi hành công vụ mà còn là biểu hiện của tội ác, hoàn toàn xa lạ với khái niệm văn hóa giao thông. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, vào ngày 12-9, trên quốc lộ 56 (huyện Châu Đức), một thanh niên đã bỏ chạy thục mạng khi công an ra hiệu dừng xe. Công an xã Nghĩa Thành đã bắn chỉ thiên nhưng người thanh niên vẫn tiếp tục bỏ chạy. Anh ta chỉ bị ngăn lại khi công an xã Nghĩa Thành bắn vào lốc máy. Đáng ngạc nhiên là người thanh niên bỏ chạy chỉ vì sợ bị xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm, không có bằng lái.
Ở nước ta, mỗi năm có đến hàng chục nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có hơn 5.000 người chết, gần 4.000 người bị thương vì tai nạn giao thông. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân quá kém, văn hóa giao thông chưa đến được với mọi người.
Tháng 9 năm nay là Tháng an toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông”. Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với cả nước đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông. Việc tuyên truyền, kiểm tra là luôn cần thiết, nhưng cần thiết hơn cả là ý thức của mọi người khi tham gia giao thông. Thực hiện văn hóa giao thông không cần cứ phải “đao to, búa lớn” mà bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, những việc thường ngày. Mỗi người làm một việc nhỏ hữu ích, nhiều người cùng làm việc nhỏ thì sẽ tạo nên một việc lớn. Có người làm trước, làm nghiêm thì người khác cũng sẽ nhìn theo, học theo... Văn hóa giao thông hình thành theo cách như vậy!

Theo Báo BR-VT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)