Xây dựng văn hoá giao thông: Trách nhiệm không của riêng ai

Thứ năm, 24/09/2009 00:00 GMT+7

Một đất nước không thể phát triển văn minh nếu hoạt động giao thông diễn ra hỗn độn, tai nạn giao thông xảy ra triền miên. Tổn thất do TNGT để lại hệ luỵ lâu dài cho gia đình và xã hội vì 85% người chết vì TNGT ở độ tuổi lao động và có vai trò trụ cột trong gia đình. Vì thế, mọi người dân đều phải có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông dưới sự tổ chức, hướng dẫn của Nhà nước.

Một đất nước không thể phát triển văn minh nếu hoạt động giao thông diễn ra hỗn độn, tai nạn giao thông xảy ra triền miên. Tổn thất do TNGT để lại hệ luỵ lâu dài cho gia đình và xã hội vì 85% người chết vì TNGT ở độ tuổi lao động và có vai trò trụ cột trong gia đình. Vì thế, mọi người dân đều phải có trách nhiệm xây dựng văn hoá giao thông dưới sự tổ chức, hướng dẫn của Nhà nước.
Nhiều người điều khiển phương tiện thô sơ, đi bộ qua các ngã tư có đèn đỏ ở TP Bắc Giang vẫn chưa tự giác chấp hành các quy tắc giao thông
Mục tiêu cao nhất của cuộc vận động toàn dân thực hiện văn hoá giao thông chính là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi tham gia giao thông. Văn hoá giao thông được cụ thể hoá với nhiều tiêu chí nhưng cốt lõi vẫn là sự hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông nhưng ở mức độ cao hơn. Ngoài chấp hành các quy tắc cơ bản trong giao thông, văn hoá của người tham gia giao thông còn thể hiện ở sự nhường nhịn, bênh vực, bảo vệ những trường hợp yếu thế hơn như giúp đỡ trẻ em, người già, người khuyết tật, cứu giúp vô điều kiện người bị nạn, người gặp rủi ro trên đường... Người có văn hoá giao thông còn phải biết tỏ thái độ bất bình, lên án đối với những hành vi giao thông thiếu văn hoá, tố giác tội phạm giao thông (như gây tai nạn rồi bỏ trốn để rũ bỏ trách nhiệm, cố ý làm sai lệch hiện trường vụ tai nạn, hành vi côn đồ khi va chạm giao thông…). Bên cạnh đó còn phải nắm bắt được những thông tin cần thiết về các cơ quan chức năng hoặc các dịch vụ để đề nghị giúp đỡ, ứng phó hiệu quả khi có những tình huống bất ngờ xảy ra (như số điện thoại của cơ quan công an, cấp cứu, dịch vụ cứu hộ tai nạn)… Đó còn là sự hợp tác, tạo điều kiện, hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT khi cần thiết. Văn hoá giao thông còn thể hiện ở trang phục gọn gàng, tiện lợi, bảo đảm an toàn phương tiện của chính mình, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường giao thông xung quanh… Nếu như một người lái xe mô tô đội mũ bảo hiểm, chấp hành đèn tín hiệu giao thông nhưng lại cởi trần thì không thể coi người đó là có văn hoá giao thông.
Con người sống trong xã hội hằng ngày, hằng giờ đều phải tham gia vào hoạt động giao thông, là chủ thể giao thông. Đặc điểm môi trường giao thông ngày nay đã khác xa, thậm chí hoàn toàn thay đổi so với những năm trước đây, trong khi đó nhiều người dân vẫn giữ nguyên những thói quen tai hại khi tham gia giao thông. Chỉ cần một sơ suất hoặc bất chấp quy tắc cho dù rất nhỏ thì bất kỳ ai đều có thể trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông với hậu quả khó lường. Văn hoá giao thông của mỗi người không phải tự nhiên có được  mà nó hình thành qua quá trình giáo dục lâu dài từ nhỏ trong gia đình, trong nhà trường và tiếp nhận có chọn lọc hành vi văn hoá giao thông trong xã hội. Thực tế hiện nay, ngoài nhóm đối tượng đặc thù được đào tạo (người làm nghề lái xe chuyên nghiệp hoặc những người đã được dạy lái xe thông qua các khoá học do cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm giảng dạy) phần đông người dân hiểu biết rất hạn chế về các quy tắc giao thông mặc dù có qua sát hạch lấy giấy phép lái xe. Vì thế dẫn đến tình trạng cứ có xe, có "bằng" là thoải mái "vi vu" trên đường mà không cần biết rằng để tham gia giao thông an toàn còn cần nhiều kỹ năng quan trọng khác. Ví như lái xe trong đêm tối, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, lái xe khi qua đường cua, ngoặt, nơi tầm nhìn bị hạn chế, sử dụng đèn, còi, màu áo, khi dừng, đỗ xe thì cần phải làm gì để bảo đảm an toàn; khi trạng thái sức khoẻ, tâm sinh lý như thế nào thì không nên điều khiển phương tiện… Ngoài ra, lâu nay khi nói đến trật tự ATGT, dư luận cũng như các cơ quan chức năng thường chỉ tập trung vào nhóm đối tượng sử dụng phương tiện cơ giới mà ít chú ý đến nhóm đối tượng người đi bộ và người sử dụng phương tiện thô sơ. Trong thực tế, nhóm đối tượng này vừa có thể là nạn nhân vừa có thể là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn.
Để hình thành văn hoá giao thông, các cơ quan chức năng cần có chiến dịch truyền thông sâu và dài hơi về an toàn giao thông, phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Bên cạnh việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng  hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn để giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT đến từng cơ sở. Cần có hệ thống hỗ trợ về an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm như tổ chức mạng lưới tiếp nhận tin báo TNGT, dịch vụ cứu hộ, cứu nạn giao thông có khả năng đáp ứng yêu cầu nhanh chóng và hiệu quả. Thiết lập trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông vừa phải cấp bách như phòng chống dịch vừa cần các biện pháp kiên trì, bền bỉ, thiết thực chứ không chỉ là hô hào chung chung hay những việc làm hình thức, mang tính thời vụ.
Theo Báo BG
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)