Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ban hành kế hoạch hoạt động “Tháng An toàn giao thông”, tháng 9/2009 hướng dẫn Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan thành viên của ủy ban tổ chức triển khai các hoạt động với chủ đề trọng tâm là “Tháng Văn hóa giao thông”
Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông theo các tiêu chí cơ bản sau:
Tiêu chí Văn hóa giao thông
- Hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; không vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
- Khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác;
- Có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông, chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.
Những hành vi thể hiện Văn hóa giao thông
Đối với người tham gia giao thông:
- Đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ; dừng đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông;
- Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
- Điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
- Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường;
- Không thực hiện các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng;
- Thực hiện các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đối với cư dân sinh sống ven đường:
Không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy; không sử dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán hàng hóa; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: rải đinh trên đường; ném đất, đá lên tàu hỏa; xả rác, nước thải ra đường...
Đối với lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông:
- Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao;
- Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật;
- Không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ;
- Tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn.
- Giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi.
ĐT