Trong những năm qua, ngành GTVT tỉnh Ninh Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ đắc lực yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương.
Từ năm 1992 đến nay, ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành nhiều văn bản pháp quy, xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung, quản lý các quy hoạch thuộc lĩnh vực GTVT, hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh và khu vực.
Ngành đã báo cáo Bộ GTVT nâng cấp một số tuyến đường chính thành đường quốc lộ như: QL10, QL12B, QL45, QL38B và đang đề nghị Bộ GTVT nâng cấp tuyến đường ĐT480, ĐT481 thành Quốc lộ 12B kéo dài, ĐT477 kéo dài thành tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Ninh Bình.
Ngành còn thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn thuộc lĩnh vực GTVT. Tranh thủ mọi nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông. Trong đầu tư xây dựng giao thông, ngành đã bám sát nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh để đầu tư.
Ngành đã tiến hành đầu tư, nâng cấp, cải tạo 100km đường quốc lộ đoạn qua tỉnh Ninh Bình, xây dựng nhiều cây cầu quan trọng phục vụ tốt cho việc đi lại của người và các phương tiện tham gia giao thông. Về giao thông nông thôn, trước khi tái lập tỉnh hệ thống đường GTNT hầu hết chưa được cứng hóa nền, mặt đường, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, một số xã khi ấy còn chưa có đường giao thông cho ô tô đến trung tâm xã.
Đến năm 2011, toàn tỉnh đã cứng hóa được 95% mặt đường GTNT và đến nay về cơ bản hệ thống đường GTNT đã đáp ứng tốt cho việc đi lại của nhân dân, góp phần tích cực cho việc phát triển KT - XH của khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, công tác trật tự ATGT diễn biến phức tạp, ngành đã chủ động, tích cực tìm giải pháp cùng các cấp kéo giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông như: Cùng với các ngành có liên quan, tập trung xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện tham gia giao thông, từng bước loại bỏ các loại phượng tiện cũ nát và các phương tiện cấm lưu hành (xe công nông, xe 3 bánh, xe tự chế); tăng cường công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép giấy phép cho người lái phương tiện đường bộ, đường thủy.
Từ đó, 9 năm liên tục (từ 2002 - 2011) và 8 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ùn tắc giao thông. Những thành công trong công tác đảm bảo TTATGT của tỉnh có sự đóng góp tích cực của ngành Giao thông tỉnh đã được nghi nhận bằng việc Chính phủ tặng bằng khen; mới đây tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm TTATGT, Ninh Bình được ủy ban ATGT Quốc gia khen là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đảm bảo TTATGT...
Theo báo Ninh Bình