Thừa Thiên Huế có hệ thống sông ngòi và đầm phá dày đặc nên tồn tại nhiều bến đò ngang. Hiện chỉ có 5/26 bến đò hoạt động có giấy phép, số còn lại hoạt động tự phát với phương tiện chuyên chở bị xuống cấp, thiếu thiết bị cứu hộ cứu nạn, áo phao…
Xã Hương Thọ, huyện Hương Trà là địa bàn có tới 5 bến đò ngang, tất cả đều chưa có giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, cho biết mặc dù UBND xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để người đi đò và chủ đò chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nhưng hiệu quả không cao.
“Chúng tôi rất khó cấm đoán các chủ đò hoạt động, bởi thực tế việc đi lại qua sông để làm ăn, buôn bán, học hành là nhu cầu bức thiết của người dân”, ông Quý lý giải, và nói thêm có lúc ngành chức năng đã cấm các bến đò này hoạt động nhưng, người dân lại qua sông bằng nhiều hình thức khác, nguy cơ tai nạn lại càng cao.
Theo ông Quý, giải pháp tốt nhất là đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố qua sông Tả Trạch nối xã Thủy Bằng và xã Hương Thọ.
Còn tại bến đò Nhà máy đường thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, khách qua lại rất tấp nập. Ông Võ Bày, chủ một đò tại đây cho biết có cả hàng trăm lượt đò qua sông mỗi ngày để đưa đón khách.
Tại bến đò này, việc đưa đón khách diễn ra ngang nhiên, hầu hết hành khách qua đò không mặc áo phao. Cả chủ đò và hành khách rất chủ quan khi tham gia giao thông trên các phương tiện thiếu an toàn.
Tại bến đò Chùa (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), những chiếc đò rất nhỏ, cũ kỹ, vỏ thuyền tơi tả, phao áp mạn thuyền nham nhở mà vẫn chòng chành giữa sông nước với hàng chục mạng người. Bến đò này đã được Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo nhiều lần và đề nghị chủ đò thay thế phương tiện lớn hơn để tăng cường an toàn. Nhưng nhiều năm qua vẫn không có sự thay đổi, các chủ phương tiện giải thích không đủ tiền để mua đò lớn…
Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua nhiều bến đò đã được đầu tư nâng cấp nhưng vấn chưa đạt chuẩn quy định, việc lập thủ tục để cấp giấp phép hoạt động bến vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều đò thiếu đăng ký, đăng kiểm và chứng chỉ chuyên môn của chủ đò; thiếu biển báo và nội quy bến đò.
Hầu hết các phương tiện đang bị xuống cấp, hư hỏng phần vỏ thuyền, trong khi đó các chủ phương tiện rất chủ quan, thiếu chỗ ngồi, thiếu áo phao…
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành chức năng và địa phương có các bến đò ngang tổ chức kiểm tra và có phương án chỉ đạo thay thế, nâng cấp phương tiện, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu; thực hiện việc bắt buộc người đi đò mặc áo phao và từ chối việc chuyên chở người không chấp hành sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh… nhưng hiệu quả không cao.
Ngay cả bến đò Ngã Ba Sình đã bị UBND huyện Phú Vang đình chỉ hoạt động nhưng thời gian gần đây các phương tiện vận chuyển không phép vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại.
Thừa Thiên Huế đang trong mùa mưa bão, hoạt động thiếu an toàn của các bến đò ngang đang là hiểm họa khôn lường. Vì vậy, cần có các biện pháp quản lý, kiểm tra, xử phạt mạnh mẽ hơn đối với hoạt động vận chuyển người thiếu an toàn tại các bến đò ngang nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
21 bến đò không phép tại Thừa Thiên Huế: Đinh Môn, Kim Ngọc, La Khe Trẹm, Liên Bằng, Thạch Hàn, Bao Vinh, Thanh Phước, Tiền Nộn, Ngã Ba Sình, Chợ Cồn, Cồn Huế, Vinh Hà, Bến chùa, Nhà máy đường, Dương Phẩm, Bến Bồng, Tân Ba (2 bến), Bến Than, Bến Tuần, Bến Truồi./.
Theo Chinhphu.vn