Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 18/12/2012
Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là cửa ngõ của vùng với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia, là giao điểm của các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL13, QL14, trong tương lai không xa, tuyến đường sắt xuyên Á đi Bình Phước sẽ nối liền Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan Myanma, Côn Minh và Singapore.

Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là cửa ngõ của vùng với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia, là giao điểm của các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL13, QL14, trong tương lai không xa, tuyến đường sắt xuyên Á đi Bình Phước sẽ nối liền Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan Myanma, Côn Minh và Singapore.

Đối với hệ thống đường giao thông, trong những năm qua tỉnh đã tập trung phần lớn nguồn ngân sách xây dựng cơ bản, vay ngân hàng lãi suất thấp, đầu tư theo phương thức BOT, vốn huy động từ trong dân và từ các doanh nghiệp để sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nhiều tuyến đường trọng yếu phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế và bảo vệ, củng cố an ninh quốc phòng. Các tuyến đường vào trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc cũng được mở mới phục vụ thiết thực nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Đã có 111/111 xã, thị trấn đã có đường nối đến trung tâm xã, trong đó có 108/111 xã, thị trấn có đường nối đã được nhựa hóa còn 3 xã là đường cấp phối.

Một số dự án của ngành giao thông vận tải đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, một số dự án triển khai chậm, phân kỳ chưa hợp lý và đồng thời phát sinh thêm một số dự án mới cần điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch phát triển GTVT.

Theo đó, dự thảo đề án nếu rõ các mục tiêu cần đạt được GTVT Bình Phước từ này đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030:

Về vận tải: Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi; phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bánh sắt và xe buýt tại các đô thị, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong khai thác vận tải; Khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 1.300-1.400 triệu lượt khách/năm với 80.000-81.000 triệu hành khách.km, tốc độ tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm, trong đó khối lượng hành khách qua cảng hàng không đạt khoảng 25 triệu khách; Lượng hàng hóa đạt khoảng 500 - 550 triệu tấn/năm với 450.000-460.000 triệu tấn.km, tốc độ tăng bình quân 7 - 8%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 265 - 305 triệu tấn ( container từ 12 – 17,9 triệu TEU)

Về kết cấu hạ tầng GTVT: Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT quốc gia qua vùng làm tiền đề phát triển hệ thống GTVT địa phương, đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng trong tương lai; Phát triển hợp lý mạng lưới giao thông đường bộ của vùng bao; Nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Bắc-Nam; Phát triển thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam; Xây dựng mới các tuyến đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Cần Thơ, Lộc Ninh... và hệ thống đường sắt nhẹ khu vực…

Ngoài ra, các dự án phát triển hạ tầng GTVT ảnh hưởng đến phát triển hệ thống GTVT của tỉnh như nâng cấp và cải tạo các quốc lộ 13, 14; Xây dựng đường Hồ Chí Minh, N1, QL.14C, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các tuyến vành đai của vùng; Xây dựng mới sân bay Quốc tế Long Thành; Xây dựng tuyến đường sắt Dĩ An - Chơn Thành - Lộc Ninh; Xây dựng mới tổng kho trung chuyển tại Long Thành - Đồng Nai …. Các công trình này sẽ tạo ra một khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng và nó sẽ ảnh hướng lớn đến sự phát triển hệ thống GTVT của các tỉnh trong vùng trong đó bao gồm tỉnh Bình Phước.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu ra các vấn đề như: Quy hoạch mạng lưới đường huyện; Quy hoạch đường đô thị; Quy hoạch hệ thống cầu; Các tuyến vận tải liên tỉnh….

Như vậy, xuất phát từ vai trò của GTVT ngày càng quan trọng đối với cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Để đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đạt hiệu quả cao và khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đường bộ và đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt, việc lập đề án ‘‘Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ” là hết sức cần thiết.

Xem chi tiết nội dung tại đây: Dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

Kiều Anh