Ngày 29/8, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã ký Văn bản số 8990/BGTVT-TTr gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo kết quả kiểm tra về quản lý hoạt động vận tải tại 18 tỉnh, thành phố.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, Ban Cán sự Đảng, Bộ GTVT quyết định thành lập 07 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã kiểm tra tại 18/21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả cụ thể: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vận tải. Các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT. Hoạt động vận tải đã có chuyển biến đáng kể, trong đó có nhiều doanh nghiệp vận tải đã tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện, chú ý công tác quản lý ATGT. Thành phố Hải Phòng đã có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý vận tải sau khi thanh tra, kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã thống nhất nhận thức cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế, vi phạm cần xử lý. Cụ thể: Công tác quản lý nhà nước về vận tải còn coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm hành chính chưa cương quyết. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép chưa được chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với các HTX kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải hàng hóa bằng công ten nơ.
Phần lớn các đơn vị vận tải còn chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng công ten nơ. Quy mô các đơn vị kinh doanh vận tải còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến việc quản lý bị buông lỏng. Qua kiểm tra hệ thống giám sát hành trình, phát hiện nhiều đơn vị có phương tiện chạy vượt tốc độ nhiều lần, nhiều địa phương, đơn vị không quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe qua thiết bị giám sát hành trình. Kết quả kiểm tra tại 84 đơn vị kinh doan vận tải, trong đó có 36 HTX đã phát hiện, xử lý, tước, đình chỉ sử dụng giấy phép của 41 đơn vị, thu hồi giấy phép của 31 đơn vị; thu hồi 327 phù hiệu và sổ nhật trình; 189 lỗi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 567.000.000đ.
Để tăng cường quản lý nhà nước về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo, cho phép Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ, Ngành liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tuổi xe, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hướng cố định, vận tải công ten nơ và các loại hình vận tải mới phát sinh; có quy định riêng về loại hình HTX kinh doanh vận tải. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch thanh tra liên ngành Giao thông vận tải, Công an, Lao động TB&XH, Y tế tiến hành thanh tra toàn diện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt công tác quản lý vận tải, quản lý và kiểm soát xe quá tải trọng tại các địa phương.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Phó Thủ tướng có văn bản phê bình các địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép./.
KC